Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2022 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong đó trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Với góc độ là cán bộ công chức của Chi cục Phát triển nông thôn, là đơn vị tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành phát triển nông thôntrên các lĩnh vực: kinh tế hợp tác, trang trại, cơ điện ngành nghề nông thôn, quy hoạch bố trí dân cư, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương đơn vị đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và để hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực phát triển nông thôn nói riêng và ngành Nông nghiệp và PTNT nói chung đạt hiệu quả  gắn với công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là, hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều xử lý văn bản qua hồ sơ công việc, từng bước thay thế việc dùng văn bản, giấy tờ hành chính thông thường trong truyền đạt thông tin, giải quyết các công việc có liên quan. Thực hiện việc gửi, trao đổi và xử lý văn bản trong nội bộ cơ quan và giữa các cơ quan, tổ chức khác thông qua môi trường mạng đã góp phần giảm số lượng lớn văn bản, giấy tờ, tiến độ công việc được triển khai nhanh chóng, hiệu quả quản lý hành chính được nâng lên rõ rệt. Trước hết, cần giảm những văn bản giấy không cần thiết, sử dụng bút phê điện tử trên hệ thống để giao nhiệm vụ; cần đưa tất cả các văn bản phát hành (trừ văn bản mật) lên Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT để các các cơ quan, đơn vị có liên quan được biết, khai thác thông tin.

       Thứ hai là, đơn giản hoá chế độ báo cáo của ngành, định kỳ, đột xuất, nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Báo cáo luôn đóng vai trò rất quan trọng và là yêu cầu không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Thông qua hoạt động báo cáo, các cơ quan hành chính có thể phân tích, đánh giá, dự báo được tình hình thực hiện trong các lĩnh vực quản lý để đưa ra các quyết định quản lý phù hợp, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác báo cáo chưa được quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ gây không ít khó khăn, lúng túng trong việc tổng hợp số liệu, thông tin. Do đó cần phải: (1)  hệ thống hóa danh mục các loại báo cáo, chế độ báo cáo định kỳ ; (2) tổ chức rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo; (3) xây dựng quy định hoặc hướng dẫn về chế độ báo cáo (số hóa dữ liệu), giảm tải thời gian báo cáo, theo dõi điều hành thuận tiện.

   Thứ ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, cải đặt sử dụng các phần mềm hồ sơ công việc của tỉnh, IOC Quảng Trị… họp trực tuyến, trao đổi thông tin nhanh chóng, chính xác; giảm văn bản hành chính trong mỗi cuộc họp, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng cường sự tương tác giữa các thành viên dự họp trên nền tảng CNTT, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành... Đồng thời, tăng cường cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi. Phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị. 

Thứ tư là, mở rộng phần mềm theo dõi chỉ đạo điều hành của Sở Nông nghiệp và PTNT, kết nối cơ sở dữ liệu với các địa phương (huyện, xã) và tích hợp với trang điểu hành của UBND tỉnh nhằm giúp Lãnh đạo Sở, UBND tỉnh theo dõi được tình hình hoạt động của các cơ quan, đơn vị để có thể chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thông suốt công việc, hạn chế văn bản chậm xử lý, đùn đẩy trách nhiệm.Việc điều hành, xử lý, giải quyết, theo dõi công việc được thực hiện nhanh chóng hơn, đơn giản hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo tiến độ và chất lượng được giao.

      Thứ năm là, cán bộ, công chức, viên chứ tiếp tục rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, năng lực; cập nhật đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước;  luôn bám sát cơ sở, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; rèn luyện bản lĩnh và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện cam kết trách nhiệm, triển khai chương trình công tác trọng tâm kịp thời, hiệu quả./.

                                                                                                                                                                                                                                                    Bích Đào – Chi cục Phát triển nông thôn

 

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 358

Tổng lượt truy cập: 3.591.080