Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thực hiện công tác trọng tâm năm 2022 của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị, nhằm tạo điều kiện để lãnh đạo, cán bộ Chi cục và cán bộ chủ chốt các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được tiếp cận các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, liên kết tiêu thụ nông sản cũng như đa dạng các sản phẩm trong sản xuất Nông nghiệp.

 Trong 03 ngày 11/12 đến 13/12/2022 Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm mô hình Hợp tác xã kiểu mới hiệu quả, Hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Quảng Nam. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, ông Hoàng Minh Trí; các cán bộ phòng Kinh tế hợp tác – cơ điện và cán bộ chủ chốt của các Hợp tác xã tiêu biểu, tham gia liên kết trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại buổi làm việc với Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam Ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình hoạt động của lĩnh vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh và chia sẽ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, tham mưu xây dựng chính sách.

 

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam trao đổi với đoàn công tác. Ảnh: QĐ

Đến cuối năm 2022 tỉnh Quảng Nam có 01 liên hiệp Hợp tác xã 480 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 72.815 thành viên; 242 Hợp tác xã nông nghiệp tham gia đánh giá xếp loại theo Thông tư 09 của Bộ NN&PTNT, với 46 Hợp tác xã xếp loại tốt, 83 Hợp tác xã xếp loại khá; 273 Hợp tác xã nông nghiệp có tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Doanh thu bình quân/HTX ước đạt 10 tỷ đồng/năm, lãi bình quân hằng năm khoảng 130 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong Hợp tác xã khoảng 50 triệu/năm.

Trong công tác quản lý, Chi cục thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về Hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương; nhất là việc báo cáo số liệu định kỳ về Hợp tác xã nông nghiệp, THT nông nghiệp trên phần mềm quản lý Hợp tác xã nông nghiệp do Cục Kinh tế và hợp tác tạo lập.

Bên cạnh đó Chi cục luôn tích cực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp nhất là các cơ chế, chính sách của tỉnh.

Hợp tác xã nấm công nghệ cao Miền Trung (Cenmush) một mô hình Hợp tác xã kiểu mới, năng động đáng học hỏi.

Đến thăm Hợp tác xã nấm công nghệ cao Miền Trung, đoàn được ông Huỳnh Văn Phong – Giám đốc Hợp tác xã chia sẽ những kinh nghiệm hay về công tác quản lý, tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm đặc biệt là xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã.

Tham quan học tập kinh nghiệm tại Hợp tác xã nấm công nghệ cao Miền Trung. Ảnh: QĐ

Ông Huỳnh Văn Phong cho biết: “Hợp tác xã Nấm công nghệ cao miền Trung (Viết tắt Cenmush) là mô hình Hợp tác xã kiểu mới được thành lập vào năm 2018, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia, vận hành theo mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp xanh khép kín, đáp ứng các tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững; là đơn vị tiên phong kích hoạt và thúc đẩy trào lưu sản xuất và tiêu dùng nấm sạch gắn với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông cho biết thêm: Cenmush là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng và chế biến sâu nấm thương phẩm và dược liệu: công nghệ nuôi trồng hiện đại, tự động hóa; quy trình nuôi trồng nấm an toàn tiêu chuẩn VietGAP; công nghệ sấy lạnh hiện đại giữ nguyên được màu sắc, hương vị và các hàm lượng dinh dưỡng của nấm tươi, sâm tươi; các sản phẩm chế biến sâu thực hiện tại nhà máy chuẩn GMP”.

Một gốc phòng trồng nấm Linh Chi của Hợp tác xã Cenmush. Ảnh: QĐ

Hiện nay sản phẩm của Hợp tác xã Cenmush rất phong phú và đa dạng, các sản phẩm sản xuất bao gồm: nấm linh chi, nấm lim xanh, nấm sò…, các sản phẩm chế biến sâu như: mật ong linh chi, trà gừng linh chi, nấm linh chi đóng hộp, rượu ngâm linh chi, sâm nam ngọc linh…

Hợp tác xã đã đạt được rất nhiều chứng nhận như: Chứng nhận ISO 22000, chứng nhận VietGap, có 03 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và nhiều chứng nhận khác.

Qua tham quan học tập kinh nghiệm của Hợp tác xã cho thấy mặc dù mới thành lập với số thành viên chỉ có 7 người nhưng với những bước đi đầy sáng tạo đã đem lại thành công bước đầu mà các Hợp tác xã tại Quảng Trị cần học hỏi, trong đó có một vấn đề cần đáng lưu tâm đó là hợp tác xã cần tận dụng được nguồn nguyên liệu sẳn có của địa phương, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là công tác chế biến và chế biến sâu sản phẩm.

Xưởng sản xuất nấm của Hợp tác xã Cenmush. Ảnh: QĐ

Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa –thành công từ việc tạo lập lòng tin với thành viên.

Đến tham quan mô hình tại Hợp tác xã Ái Nghĩa, đoàn công tác được ông Trần Cảm – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã đón tiếp rất nồng hậu.

Chia sẽ với đoàn, ông Cảm cho biết: “Hợp tác xã Ái Nghĩa được thành lập từ năm 1978, đến năm 2013 Hợp tác xã chuyển đổi theo luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay Hợp tác xã vẫn duy trì tốt các hoạt động của mình và ngày càng có nhiều chuyển biến, đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.”

Quang cảnh Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa. Ảnh: QĐ

Ái Nghĩa là mô hình Hợp tác xã toàn xã với quy mô 1.952 thành viên với tổng diện tích trồng lúa 612 ha/năm. Ngoài các dịch vụ nông nghiệp phục vụ công đồng, hoạt động dịch vụ thương mại luôn được Hợp tác xã quan tâm, đầu tư bài bản trong đó phải kể đến việc xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị cho sản phẩm từ hạt lúa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho thành viên.

Năm 2022 tổng doanh thu ước đạt của Hợp tác xã trên 30 tỉ đồng, trong đó doanh thu liên kết sản xuất Giống lúa chiếm tỷ trọng cao nhất trên 86%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 450 triệu đồng/năm.

Chia sẽ kinh nghiệm quản lý và điều hành Hợp tác xã, ông Cảm cho biết thêm: “Ban đầu xuất thân ông làm Doanh nghiệp tư nhân, sau đó được thành viên tín nhiệm bầu vào Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã, khi làm Hợp tác xã tôi phải tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy Hợp tác xã kiểu cũ sang Hợp tác xã kiểu mới cho toàn bộ đội ngũ cán bộ của Hợp tác xã, dần dần lấy lại lòng tin của thành viên Hợp tác xã từ đó họ mới theo mình, cùng nhau liên kết làm ăn ổn định như ngày hôm nay.”

Ban đầu cũng như các Hợp tác xã nông nghiệp khác, Ái Nghĩa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp ngành, địa phương đặc biệt là tổ chức Agriterra (Hà Lan) đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã khắc phục khó khăn, tạo nên thương hiệu của Hợp tác xã như ngày nay.

Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các Giám đốc HTX của Quảng Trị và Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa. Ảnh: QĐ

Nói về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu sản phẩm ông cho biết thêm: “Để đổi mới và phát triển Hợp tác xã thì vấn đề quan trọng là phải tìm ra được hướng đi phù hợp với thị trường, mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm,… vì vậy trong thời gian qua Hợp tác xã đã hoàn thiện quy chế sử dụng nhãn hiệu Bánh tráng Đại Lộc, Gạo an toàn Ái Nghĩa theo chu trình OCOP, luôn giữ vững uy tín thương hiệu đối với khách hàng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường, cung ứng gạo chất lượng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh…”

Cửa hàng thực phẩm sạch – hữu cơ của Hợp tác xã Ái Nghĩa. Ảnh: QĐ

Bài học rút ra từ chuyến tham quan học tập

Qua chuyến tham quan học tập mô hình tại hai Hợp tác xã điển hình của tỉnh Quảng Nam, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm để các Hợp tác xã nông nghiệp tại Quảng Trị có thể học tập đó là:

Nhìn chung về xuất phát điểm của các Hợp tác xã ở Quảng Nam và Quảng Trị đều có nét tương đồng nhưng để thành công thì điều kiện tiên quyết chính là vai trò của người đứng đầu Hợp tác xã, phải là người năng động, dám nghĩ dám làm, biết vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước, tạo được lòng tin đối với thành viên, thay đổi cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã. Ngoài ra hợp tác xã phải tạo được cơ chế thông thoáng cho Hội đồng quản trị Hợp tác xã hoạt động, tạo động lực làm việc bằng tiền công, tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh đó, muốn thành công trong nền kinh tế thị trường thì Hợp tác xã cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên doanh liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.

Kết thúc chuyến công tác thành công tốt đẹp, tạo thêm động lực để đội ngũ quản lý, điều hành Hợp tác xã tìm tòi, phát huy lợi thế của địa phương, nhằm phát triển tốt các Hợp tác xã mở rộng các dịch vụ, làm giàu cho thành viên góp phần xây dựng nông thôn mới cho tỉnh nhà./.

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 875

Tổng lượt truy cập: 3.174.181