Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Có thể khẳng định rằng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là hết sức quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn bền vững trong tình hình mới, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm nông dân là chủ thể, là trung tâm quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu, tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Qua hơn 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã đào tạo cho trên 700 lớp nghề nông nghiệp ngắn hạn dưới 3 tháng, với trên 19.160 lượt người tham gia; đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010-2015 giảm từ 19,7% cuối năm 2010 xuống còn 6,92% cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều  giai đoạn 2016-2020, giảm từ 15,43% đầu năm 2016 xuống còn 6,58% cuối năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 33,05% năm 2010 lên 65,88% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 24,42% năm 2010 lên 47% năm 2020; bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 10.025 lao động. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã sự chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo nghề ngày càng được đổi mới nâng cao chất lượng, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đối với tỉnh Quảng Trị, Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, đến năm 2030 đạt 85-90%. Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Xác định tư duy mới trong công tác đào tạo nghề, đổi mới toàn diện phương pháp tiếp cận đào tạo nghề cho người nông dân, đào tạo theo tín hiệu của thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đa dạng hóa nội dung và hình thức đào tạo nhằm tạo nền tảng vững chắc cho lao động nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế;

Thứ hai, Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả công tác điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, để đánh giá, nắm bắt và định hướng đúng nhu cầu, đối tượng học nghề phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp của địa phương, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo. Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động nông nghiệp nông thôn; xác định danh mục nghề nông nghiệp cần được ưu tiên đào tạo để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương và xu thế phát triển. Thí điểm các mô hình đào tạo nghề để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, hữu cơ… để nhân rộng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đào tạo nghề; thống kê, đánh giá được chất lượng, hiệu quả sau học nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

Thứ ba, Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp với trình độ, năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn, chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và tín hiệu thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm; áp dụng những thành tựu khoa học- công nghệ vào chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng để người lao động tích cực tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia học nghề.

Thứ , Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép dạy nghề với các chương trình MTQG, chương trình dự án...trên địa bàn nhằm hỗ trợ công tác dạy nghề có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế và từng vùng miền. Có cơ chế hỗ trợ học viên sau đào tạo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương để áp dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng từ việc học nghề, gắn kết giữa lý thuyết với thực hành và phát huy hiệu quả nguồn vốn, tay nghề cho người học;

Thứ năm, chính sách đặc thù riêng cho đào tạo nghề nông nghiệp để thu hút các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia truyền nghề cho lao động nông thôn; nông dân học nghề tại các cơ sở, HTX, doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ hữu cơ.

Đang truy cập: 24

Hôm nay: 943

Tổng lượt truy cập: 3.533.776