Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 16/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo kế hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022- 2025 và trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP năm 2021. Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Ông: Hà Sỹ Đồng- UVBTVTU- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Theo dự thảo kế hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 – 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu mỗi năm có thêm 4 – 6 HTX có sản phẩm OCOP; đến cuối năm 2025 có ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh; 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 1 – 2 điểm bán hàng OCOP, riêng thành phố Đông Hà có 8 - 10 điểm bán hàng OCOP. Phạm vi triển khai trên địa bàn nông thôn, khuyến khích thực hiện ở khu vực đô thị (phường, thị trấn) toàn tỉnh. Chủ thể thực hiện là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch ngoài các đối tượng trên có thể bao gồm các Hội/Hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Sản phẩm bao gồm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; ngân sách cấp huyện; vốn tín dụng; vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tự huy động; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và vốn huy động hợp pháp khác.

 

 

Ảnh: Ông Hà Sỹ Đồng- UVBTVTU- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các nội dung của dự thảo như hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; tăng cường chuyển đổi số trong chương trình OCOP; đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình như chứng nhận tiêu chuẩn dược liệu, nhất là đối với các sản phẩm dược liệu...
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 43 sản phẩm của 27 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP năm 2021.

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 249

Tổng lượt truy cập: 3.590.971