Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị được triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mục tiêu là củng cố, nâng cấp các sản phẩm chủ lực có thế mạnh, sản phẩm đặc sản của địa phương; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu về tổ chức, nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực các nhân sự chủ chốt của các tổ chức sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP... Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Quảng Trị có 50 tổ chức, cá nhân với 78 sản phẩm tham gia đăng ký thực hiện chương trình; có 53 sản phẩm của 36 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao.

Thông qua Chương trình OCOP đã hỗ trợ cho các DN, HTX, CSSX đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất hàng hoá. Đồng thời quan tâm hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói để sản phẩm hàng hoá đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường.

  Công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được các Sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương quan tâm, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức cho các DN, HTX, CSSX tham gia 13 hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Cụ thể: Hội chợ Thương mại, nông nghiệp, làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh 2019; Hội chợ Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) - Quảng Ninh 2019; Hội chợ thương mại quốc tế Nha Trang năm 2019; Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế tại Hà Nội; Hội chợ Làng nghề Việt Nam năm 2019 tại tỉnh Hải Dương; Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam – Hà Nội năm 2019; Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP tại khu vực Tây Nguyên – Đắc Lắc năm 2019; Triễn lãm sản phẩm OCOP tỉnh tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp năm 2020 tại Quảng Trị; Triễn lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp an toàn năm 2020 tại thành phố Đông Hà; Sự kiện giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP năm 2020 tại TP Hà Nội; Hội chợ Công thương tỉnh Kon Tum năm 2020; Phiên chợ tuần Nông sản an toàn năm 2020 tại thành phố Huế; Hội chợ đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2020 tại TP Hà Nội và một số hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện triển lãm sản phẩm khác. Nguồn vốn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại từ chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh và vốn Sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2019 – 2020 là 1,09 tỉ đồng. Các hoạt động đã tạo điều kiện cho hơn 70 lượt DN, HTX, CSSX tham gia. Qua đó, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh có cơ hội được các nhà phân phối, tiêu thụ và đông đảo người tiêu dùng ở các địa phương trong cả nước biết đến và tin tưởng lựa chọn.
         Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành một điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, quy mô chưa lớn, đa phần do tổ chức kinh tế tự bỏ vốn xây dựng, Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ miễn phí mặt bằng.
         Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Giám đốc HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cho biết: Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, HTX đã có nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, sản phẩm Gạo sạch Triệu Phong đã tham gia hơn 50 lượt hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong nước, quốc tế. Tháng 11/2020, Gạo sạch Triệu Phong đạt giải nhì cuộc thi sản phẩm nông sản tiêu biểu tại Phiên chợ Tuần nông sản an toàn. Hiện nay, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX có chất lượng cao được người tiêu dùng và các đại diện phân phối, tiêu thụ rất quan tâm, đã hình thành nhiều đại lý phân phối sản phẩm tại các thành phố lớn trong nước.
        Dù đạt những kết quả bước đầu, song công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn. Chưa hình thành được nhiều tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Một số sản phẩm có sản lượng lớn như tôm, gia súc, gia cầm, ném, rau củ quả... chủ yếu xuất bán sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Nhiều DN, HTX, CSSX chưa chú trọng việc xây dựng và duy trì các loại chứng nhận như VietGAP, sản xuất hữu cơ, Iso, HACCP... Do đó, không đáp ứng được yêu cầu khi ký kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì chưa được quan tâm đầu tư, số lượng sản phẩm đã và đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của tỉnh còn ít.
        Công tác xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng, giúp cho DN, HTX, CSSX tìm kiếm, mở rộng thị trường, quyết định hiệu quả sản xuất, kinh doanh, là bước cuối cùng trong chu trình OCOP và được triển khai thường xuyên liên tục. Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, cùng với các cơ sở sản xuất thực hiện tốt công tác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cái tiến chất lượng, mẫu mã bao bì, sản phẩm, xây dựng và duy trì các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến… đáp ứng các yêu cầu của thị trường đích; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại để tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.

                                                                                                                                                                                Nguồn tin: Thanh Bình, Chi cục Phát triển nông thôn

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 1384

Tổng lượt truy cập: 3.558.057