Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”. Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đề điều và PCTT, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Nguyễn Phú Quốc- Phó GĐ Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thời tiết mang tính cực đoan đã xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ảnh hưởng đến con người và hệ thống kinh tế - xã hội - môi trường.Tại khu vực Miền Trung năm 2020, mưa lũ diện rộng từ giữa tháng 9/2020 đến giữa tháng 11/2020, khu vực Trung Bộ đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 8 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm. Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An - Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng. Theo tổng hợp của Bộ NN và PTNT, bão lũ ở miền Trung đã tàn phá nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Hầu hết lượng giống, lương thực dự trữ trong dân để phục vụ đời sống và sản xuất vụ đông xuân 2020 -2021 đã bị hư hỏng.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ đồng (nghĩa là gấp khoảng hơn 7 lần so với thiệt hại kinh tế so với thời điểm xảy ra trận lụt năm 1999). Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực đã và đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tại Quảng Trị trong đợt mưa dị thường từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2022, gây ra lũ lớn đã làm hơn 10.000 ha lúa và cây màu bị thiệt hại, trong đó huyện Hải Hăng có hơn 6.000 ha mất trắng. Theo số liệu thống kê tại tỉnh Quảng Trị, từ năm 2000 đến tháng 6/2023, thiên tai đã làm 181 người chết, 368 người bị thương và giá trị thiệt hại về tài sản lên đến khoảng trên 15.679 tỷ đồng.

Mặc dù các cấp ban ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nhằm thích ứng và giảm thiểu các rủi ro thiên tai, song thực tiễn cho thấy còn nhiều nguy cơ và thách thức được đặt ra trong thời gian tới.

Diễn đàn đã nghe 04 báo cáo tham luận cụ thể về: Công tác phòng, chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng  khu vực Bắc trung Bộ; Tổng quan tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh và các hoạt động ưu tiên triển khai thực hiện Đề án 553 tỉnh Quảng Trị; Một số giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ; Thực tiễn, kinh nghiệm và bài học trong xây dựng và triển khai mô hình Nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH tại Hà Tĩnh.

          Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề: biến đổi khí hậu toàn cầu; công tác dự báo; công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó; cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng và các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp, từ đó đưa ra được các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững có hiệu quả.

TRẦN CẨN - TTKN

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 212

Tổng lượt truy cập: 3.559.019