Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lấy đó làm nền tảng để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng là một trong những phương pháp thâm canh và phương pháp này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế vượt trội mà còn cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng tôm nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

       Trong những năm trở lại đây, nghề nuôi tôm ở Quảng Trị phát triển khá nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng, chú trọng chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh; hình thành các mô hình nuôi tôm công nghiệp trọng điểm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm từng bước được đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế khá và có tính ổn định trong sản xuất cho người nuôi, là tín hiệu đáng mừng vì có thể đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nguyên liệu lớn cho tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. 
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có trên 1.250 ha nuôi tôm, trong đó (nuôi tôm thẻ 1.054 ha, nuôi tôm sú 198 ha), sản lượng nuôi hàng năm đạt khoảng 5.424tấn, giá trị mang lại gần 679 tỷ đồng. Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, mô hình nuôi tôm 2,3 giai đoạn, nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao có sức đầu tư khá lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, nhiều người không khỏi e ngại, thậm chí hoài nghi sự thành công của nó. Nhưng sau đó với những kết quả cao cả về năng suất, sản lượng lẫn hiệu quả kinh tế, có thể nói từ mô hình nuôi tôm “nhà giàu” này, ngày càng có nhiều người nhận thức lại và mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật… để làm theo. 
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông  đã thực hiện và chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm và khuyến cáo đến bà con nông dân hướng đến các phương thức nuôi chuyển đổi từ ao to sang ao nhỏ dễ quản lý, từ nuôi theo phương thức truyền thống 1 giai đoạn sang 2-3 giai đoạn nhằm giúp giảm chi phí đầu tư xuống từ 15 – 20%, đồng thời hạn chế rủi ro dịch bệnh trong giai đoạn đầu đặc biệt là hội chứng chết sớm EMS trên tôm, quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, rút ngắn thời gian nuôi. 
       Điển hình trong nuôi tôm hiệu quả là hộ ông Phan Thành Nhơn ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị về xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn theo công nghệ Biofloc với diện tích ao ương 180m³, ao giai đoạn 2 có diện tích 3000m². Sau 25 ngày nuôi giai đoạn 01, ông tiến hành sang ao giai đoạn 02 với hình thức sang ao bằng ống xả đáy của ao ương. Kết quả sau 110 ngày nuôi, sản lượng tôm hộ ông thu được 5,8 tấn/ 0,3 ha, tương đương hơn 18 tấn/ha, kích cỡ bình quân đạt 57 con/kg, lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha. 
       Hộ ông Phan Thanh Tôn ở thôn Tây Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 2020, ông được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị xây dựng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn. Hệ thống ao nuôi gồm ao lắng 3.000m², ao ương có diện tích 120m³, ao nuôi giai đoạn 2 có diện tích 1.800m², ao nuôi giai đoạn 3 có diện tích 2.000m², hệ thống quạt nước, thổi oxy đảm bảo. Sau 30 ngày ương tôm đạt kích cỡ trung bình 900 con/kg, ông tiến hành sang qua ao giai đoạn 2, nuôi tiếp 45 ngày trong ao giai đoạn 2 đạt kích cỡ trung bình 145 con/kg, ông tiếp tục sang ao giai đoạn 3. Sau 4 tháng thả nuôi, tôm đạt tỉ lệ sống > 75%, kích cỡ bình quân đạt 50 con/kg, sản lượng thu được trên 25 tấn/ha. Lợi nhuận gần 1 tỉ đồng/ha. 
        Là người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi tôm, song anh Trần Văn Dụng ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh vẫn không ngừng học hỏi nghiên cứu để áp dụng cho công việc hàng ngày, với số vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng, đầu năm 2022 anh Dụng đã chuyển toàn bộ diện tích gần 2 ha của gia đình sang nuôi tôm theo mô hình CPF Combine. Theo đó, trên quỹ đất sẵn có anh bố trí 6 ao nuôi thương phẩm theo dạng ao nổi với tổng diện tích gần 5.000 m2, còn lại là ao xử lý nước thải, ao chứa lắng và hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ các ao nuôi đều được thiết kế có dạng hình tròn, được lót bạt toàn bộ và trang bị mái che nhằm đảm bảo môi trường nước tối ưu nhất mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, hợp lý và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ oxy cho tôm vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý. Quy trình nuôi tôm được thực hiện chặt chẽ với 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tôm được ương trong ao có diện tích 150 m2, mật độ 1.600 con/m2; sau khi ương được 20 ngày, tôm đạt kích cỡ 1.000 con/kg sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn này tôm được chuyển sang ao nuôi khác có diện tích 700 m2 với mật độ 300 con/m2, sau 40 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 60 con/kg thì chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 3. Lúc này tôm nuôi tiếp tục được chuyển sang ao nuôi có diện tích 1.200 m2, mật độ nuôi giảm xuống còn 200 con/m2 và nuôi về kích cỡ thu hoạch. Anh Dụng chia sẽ “ Ưu điểm của mô hình CPF Combine là dễ quản lý hoạt động của tôm nuôi; quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn nuôi ít biết động, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và tỉ lệ sống của tôm; giúp xoay vụ nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm so với cách làm truyền thống trước đây. Bình quân mỗi vụ tôi thu khoảng 30 tấn tôm thương phẩm. Trừ chi phí tôi thu lãi từ 2 – 3 tỉ đồng”.
        Việc đầu tư cho mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao có thể kiểm soát chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Mô hình nuôi này giúp giảm tôm chết sớm trong giai đoạn từ 25-30 ngày sau thả giống; tăng số vụ nuôi/năm (3 vụ); tái sử dụng nước, hạn chế được bệnh dịch xâm nhập khu nuôi; giảm diện tích nuôi, phù hợp cả quy mô nuôi nông hộ lẫn quy mô trang trại; mật độ nuôi cao từ 200-300 con/m2, năng suất có thể đạt từ 25-30 tấn/ha, rút ngắn thời gian nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với mô hình nuôi này là số vốn đầu tư cho chi phí ban đầu cao, từ 2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha đối với một khu nuôi hoàn chỉnh. Chính vì vậy, không phải ai cũng có nhiều vốn để đầu tư mô hình này.
Với mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng sản xuất bền vững, an toàn dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung hỗ trợ triển khai và nhân rộng nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học như: mô hình ương tôm giống tôm thẻ chân trắng theo quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm thương phẩm 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP… Qua đó, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả vụ nuôi. 
         Đến nay, toàn tỉnh đã có 51,8 ha nuôi theo hướng công nghệ cao, đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh khẳng định “Để hoàn thành mục tiêu đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh, phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 40.000 tấn, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 3.800 – 4.000 ha theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi… là những điều kiện quan trọng để nâng cao năng suất, giá trị cho các vùng nuôi. Đây cũng là giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững sản phẩm chủ lực trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh”. 

PHAN VĂN PHƯƠNG

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông

Đang truy cập: 18

Hôm nay: 1555

Tổng lượt truy cập: 3.543.723