Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Hải lăng là một huyện thuần nông trên 80% thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đời sống của nông dân còn khó khăn, thu nhập thấp. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện còn chậm, cơ cấu nông nghiệp còn bất hợp lý, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao, tình trạng độc canh cây lương thực vẫn tồn tại; trong khi đó nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản chưa được khai thác tốt. 
 

         Công tác khuyến nông có một vai trò quan trọng trong việc chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân. Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt: tổng diện tích gieo trồng cả năm 1.802,2 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt  51.374,3 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5.614 tấn, khai thác  được 2.177,36 ha rừng sản xuất, sản lượng nuôi thủy sản  thu hoạch 335 tấn trong đó có những đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông
         Cơ sở để khuyến nông chuyển dịch cơ cấu sản xuất là lựa chọn cây, con có hiệu quả kinh tế là gắn sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản xuất đi liền với xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp nông thôn; vận động người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường, lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao. Hiệu quả kinh doanh thực tế là động lực quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
 Cụ thể là việc khuyến nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn, như: Chuyển đổi diện tích trồng lúa bị thiếu nước sang trồng ngô sinh khối, dưa hấu, đậu xanh… Khuyến nông đã áp dụng các tiến bộ KHKT, thay đổi giống cây trồng vật nuôi cho năng suất cao chất lượng tốt, có hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 97,1 triệu đồng/ha năm 2022.
Khuyến nông tham mưu cho huyện cơ cấu giống lúa và lịch thời vụ gieo cấy 13.705,5 ha như: Khang Dân; HN6; An Sinh; HT1 và các giống khác, lúa chất lượng cao 9.336,7 ha, năng suất lúa bình quân  67,22 tạ/ha. Khuyến nông vận động người dân thực hiện việc xây dựng cánh đồng lớn với 136,5 ha năm 2022, nâng tổng diện tích lên 1.577,6 ha. Vận động tích tụ ruộng đất tiếp tục được triển khai thực hiện, có 06 đơn vị tích tụ được 51,52 ha năm 2022, nâng tổng diện tích đã tích tụ lên 344,94 ha . 
         Khuyến khích người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, Viet GAP và xây dựng thương hiệu sản phẩm “Gạo Hải Lăng”, vận động 11 HTX SXNN tham gia với tổng diện tích 118,76 ha. Một số đơn vị phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ (Kim Long), lúa Viet GAP (Lương Điền, Văn Quỹ), kết quả sản xuất lúa Viet Gap cho hiệu quả kinh tế khá cao đạt kết quả tốt, sản xuất lúa hữu cơ năng suất chưa cao nhưng giá bán cao hơn (gấp 1,5 lần so với  lúa VietGap) nên  bước đầu cũng đã cho hiệu quả kinh tế. Khuyến nông luôn bám sát đồng ruộng để điều tra, phát hiện sâu bệnh sớm và thông báo, hướng dẫn kịp thời các đơn vị phòng trừ.
Khuyến nông vận động người dân đăng ký tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC được 432,7 ha. Hoạt động khuyến nông góp phần tạo nên sự thành công chung của người dân như: đã gieo tạo trên 05 triệu cây giống keo lai giâm hom. Khai thác 2.177,36 ha rừng sản xuất, trồng lại trên 1.995,48 ha; sản lượng khai thác gỗ 197.660,40 m3. Tỷ lệ che phủ rừng 42,09%. Trạm chỉ đạo nhân viên khuyến nông các xã đã sớm chủ động triển khai công tác PCCCR ngay từ đầu mùa khô. Tăng cường chỉ đạo người dân, các chủ rừng thực hiện tốt các phương án PCCCR. Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện rất tốt.
          Vùng cát nội đồng là một tiểu vùng sinh thái khắc nghiệt và rất nhạy cảm với điều kiện thời tiết, khí hậu. Người dân chủ yếu trồng Keo cho hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, khuyến nông đẩy mạnh chuyển đổi giống cây có giá trị như: ném, kiệu, mướp đắng, dưa các loại, rau gia vị, bí đao chanh …, nhất là vùng cát gắn với đầu tư đường giao thông, điện. Từng bước ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với thị trường tiêu thụ.
         Đàn lợn trên địa bàn huyện có 31.000 con, đàn nái 9.300 con cần tiếp tục duy trì  và phát triển. Khuyến nông tích cực vận động người dân chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời chăn nuôi nông hộ đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng thức ăn phối trộn từ nguyên liệu địa phương để giảm chi phí chăn nuôi. Khuyến nông thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò, chú trọng công tác thụ tinh nhân tạo để phát triển đàn bò lai theo hướng chuyên thịt, có chất lượng cao. Phát triển các mô hình nuôi bò thâm canh, bán thâm canh, tăng diện tích trồng cỏ nuôi bò 4.745 con, trong đó bò lai 3.840 con. Phát triển đàn trâu đạt 1.520 con, đàn dê trên 1.000 con; Phát triển chăn nuôi gia cầm trang trại, kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả các xã vùng đồi, nâng tổng đàn gia cầm trên 589 ngàn con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 7.751 tấn. Phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
         Mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo hướng tự nhiên, đẩy mạnh việc thâm canh tại các vùng nuôi công nghiệp. Huy động các nguồn lực tự có trong dân để chuyển đổi mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, phấn đấu diện tích nuôi cá đạt 486 ha, sản lượng 870 tấn. Khôi phục nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa nước vùng gò đồi địa bàn huyện. Vận động nhân dân sửa chữa, nâng cấp ghe thuyền, ngư lưới cụ để khai thác hải sản, sản lượng đạt 3.850 tấn, trong đó hải sản có giá trị xuất khẩu 1.400 tấn. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sớm dịch bệnh, quản lý tốt chất lượng con giống, nhất là giống Ốc Hương. Hướng dẫn nhân rộng mô hình ương nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn mô hình nuôi ốc hương, nuôi cá trong ao nuôi tôm và kiểm tra, xác định về mức độ ảnh hưởng của môi trường trong vùng nuôi để có cơ sở phát triển nhân rộng.
         Thời gian qua, khuyến nông đã triển khai các mô hình có hiệu quả kinh tế, kết hợp với tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm, Mô hình sử dụng nhãn hiệu ”Gạo Hải Lăng”, Chương trình cải tạo đàn bò vàng, Chương trình chăn nuôi lợn hướng nạc bảo đảm vệ sinh môi trường. Mô hình chuyển hóa rừng keo gổ nhỏ sang gổ lớn, Mô hình trồng rừng thâm canh gổ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô, Chương trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc, Mô hình nuôi ốc hương... Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp cần gắn chặt với các chương trình, mô hình khuyến nông, chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng xã Nông thôn mới để tác động lẫn nhau phát triển bền vững.
        Vận động nông dân nâng cao chất lượng cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và thu hoạch lúa, góp phần đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo mùa vụ, tránh lũ sớm. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất thâm canh, như: Máy cấy lúa tại mô hình sản xuất lúa hữu cơ HTX Kim Long, sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV tại Kim Long, Lương Điền, Văn Quỹ, Thiện tây....
Tận dụng các diện tích đất dưới tán rừng phát triển mô hình trồng cây dược liệu. Trồng gừng, nghệ và các cây chịu bóng dưới tán rừng. Quy hoạch, chuyển đổi các diện tích mặt nước, đất vùng trũng sang trồng sen. Trong khi diện tích lúa hàng năm có xu hướng giảm thì diện tích cây ăn quả đã có bước phát triển tăng lên qua các năm. Xây dựng được vùng chuyên canh Cam K4 trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP  tại xã Hải Phú mang lại giá trị cao và đi vào phát triển bền vững. 
        Khuyến nông đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng. 

Nguyễn Hữu Thọ - Trạm khuyến nông huyện Hải Lăng
 

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 1553

Tổng lượt truy cập: 3.592.275