Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Quảng Trị  có diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng từ 50.000 ha, năng suất dao động khoảng 55 tạ/ha/vụ, sản lượng khoảng 250.000-260.000 tấn. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) được xem là giải pháp quan trọng tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, qua thực tiễn sản xuất cho thấy, tiến bộ KHKT đã đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản. 

      Ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tăng giá trị sản phẩm và mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn. Thời gian qua, nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bình quân 2.5-3%. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. 
Kết quả áp dụng, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa trong thời gian qua đã giúp tỉnh hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo lợi thế địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2022, diện tích lúa chất lượng cao đạt 44.000 ha, đạt trên 80% diện tích gieo cấy. Diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn đạt 12.000 ha, hơn 1.539 ha có liên kết với các Doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, trong đó: 928,18 ha liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn (121,68 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; 129,5 ha sản xuất canh tác tự nhiên; 597 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 80 ha lúa theo hướng VietGap)1.
       Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được triển khai tập trung như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khảo nghiệm bổ sung các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (giống lúa Thiên ưu 8, TBR 225; Dự Hương 8, VNR20, ĐD18, ADI, ST 24, ST 25...); Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã được các ban ngành và đông đảo bà con tham gia hưởng ứng như trước đây với các mô hình 3G3T, 1P5G áp dụng công cụ sạ hàng, máy gặt đập liên hợp để gieo trồng và thu hoạch; trong các năm trở lại đây thì sử dụng máy cấy, sạ cụm và phơi sấy bằng hệ thống điện nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch và giữ được chất lượng gạo sau xay xát.
        Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất lúa cũng đã thúc đẩy và hình thành các phương thức canh tác, chăm sóc mới, đảm bảo an toàn sức khỏe con người, giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bằng hình thức sử dụng máy bay không người lại (drone) để phun thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV cũng như để bổ sung các chất dinh dưỡng, chế phẩm cho cây lúa. Đồng thời nhiều HTX đã  sử dụng các hệ thống bón phân bán tự động để bón phân cho cây lúa, dần chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ; bước đầu hình thành và phát triển hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. 
       Khuyến nông với nhiệm vụ là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức đã triển khai nhiều hoạt động có tính thời sự, áp dụng các tiến bộ KHKT như trong giai đoạn 2007-2015 áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”  nhằm giảm chi phí đầu vào về giống, phân bón, thuốc BVTV tại các huyện trọng điểm về lúa của tỉnh như Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; giai đoạn 2015-2018 áp dụng các tiến bộ về sinh học để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với việc sử dụng các sản phẩm vi sinh, sinh học thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên…; giai đoạn 2016-2020 triển khai sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; giai đoạn 2018- 2022 ứng dụng các tiến bộ về cơ giới hóa, công nghệ mới kết hợp đồng bộ với nhiều biện pháp liên hoàn từ khâu làm đất cho đến thu hoạch, chế biến… đã tạo ra sản phẩm lúa gạo đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT này trong sản xuất lúa mà đến nay đã hình thành các vùng chuyên canh vừa cho năng suất vừa cho chất lượng như vùng lúa hữu cơ tại huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, vùng lúa canh tác tự nhiên ở Triệu Phong… và đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư như Công ty Cổ phần tổng công ty thương mại Quảng Trị (Sepon Group), Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic)…
        Tại huyện Vĩnh Linh, tỷ lệ giống lúa mới năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất ngày càng tăng, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm và hình thành liên kết sản xuất. Vụ Đông Xuân 2012-2022 thực hiện 141ha sản xuất liên kết với CTCP tổng Công ty Sông Gianh, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị, CTCP tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với các giống Khang Dân 18, Hương Bình, năng suất đạt trung bình 65-70 tạ lúa tươi/ha, cho thu nhập 39 triệu đồng/ha;  liên kết với CTCP tổng Công ty Sông Gianh với 58.3ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên các giống ST24, Hương Bình cho thu nhập 45-49 triệu đồng/ha2.
        Tại HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, các biện pháp kỹ thuật được ứng dụng tương đối đồng bộ nên năng suất, sản lượng lúa những năm gần đây nhìn chung ổn định. Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc HTX cho biết: Qua kinh nghiệm thực tiễn, học hỏi các mô hình và tập huấn kỹ thuật, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như sử dụng công cụ sạ hàng, cấy máy…, sử dụng drone để phun phân bón lá, phun thuốc BVTV, liên kết thu mua lúa tươi… đã được xã viên trong HTX áp dụng trong sản xuất nên cho hiệu quả cao. Hiện nay, một số thành viên đang tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, áp dụng các biện pháp sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo.
       Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 200 ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, và tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới hình thành vùng chuyên canh lúa hữu cơ xuất khẩu. Năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 162 về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026”. Đây là cơ hội để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh.
        Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng KHKT trong sản xuất lúa ở tỉnh còn gặp khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, tập quán canh tác còn hạn chế... Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và chưa đồng bộ (đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ,…), nhất là ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nên cần có thời gian để đầu tư, cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng,… 
       - Địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh nên đã gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong việc ứng dụng KHKT.Trình độ của người dân trong việc tiếp cận các tiến bộ KHKT vào sản xuất chưa đồng đều. Bên canh đó, áp dụng tiến bộ KHKT đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi nguồn lực của HTX, hộ nông dân còn nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá; Việc liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa cao. 
        Thực tế cho thấy, chỉ khi áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đưa công nghệ mới để ứng dụng trong sản xuất mới thực sự tạo bước đột phá trong việc nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống cho nông dân. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương (OCOP). Đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến... tạo bước đột phá trong sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. 

Lê Chí Công-Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh

 

Đang truy cập: 16

Hôm nay: 1553

Tổng lượt truy cập: 3.543.721