Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Cải tạo đàn bò là mục tiêu lớn của ngành chăn nuôi nhằm tạo được bước tiến về năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện tại, đàn bò của Quảng Trị đã được cải thiện một bước về số lượng và chất lượng nhưng còn hạn chế, chăn nuôi chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán, năng suất chất lượng thịt còn thấp, chăn nuôi bò chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

 Theo kết quả khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị tính đến tháng 9 năm 2022, tổng đàn bò hiện có gần 56.000 con, tỷ lệ đàn bò lai Zebu chiếm 68,9% tổng đàn, cao hơn năm 2021 là 9% (Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, trong đó tỷ lệ bò lai đạt trên 63%). Tỷ lệ đàn bò lai tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng bằng ở các trang trại chăn nuôi tập trung.

Với mục tiêu Cải tạo nâng cao tầm vóc, sức sản xuất, tạo đàn nái nền đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Năm 2022, tiếp tục được hổ trợ từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tổ chức thực hiện “Chương trình cải tạo đàn bòsử dụng tinh bò đực giống nhóm Zebu sản xuất tại Việt Nam và sử dụng tinh các giống bò thịt nhập ngoại như: BBB, Red Bramand để thực hiện “Chương trình Cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt  phối giống cho những bò cái lai Zebu chọn lọc (có tỷ lệ lai từ 50% trở lên) nhằm tạo ra con lai F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp bà con chăn nuôi nâng cao thu nhập, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh đạt 75% để có đàn nái nền đạt tiêu chuẩn phục vụ cho các hướng lai tiếp theo (Theo Nghị quyết Đại Hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII và mục tiêu Đề án "Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030).

Các hộ tham gia chương trình, mỗi con bò cái nền phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được hỗ trợ 50%  gồm: 1,6 liều tinh đông lạnh, 0,7 lít nitơ lỏng, 1,6 bộ dụng cụ thụ tinh (găng tay, ống gen), 50% còn lại người dân đối ứng. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò sinh sản, cách nhận biết phát hiện bò động dục, quản lý và ghi chép số liệu thụ tinh nhân tạo.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp và có chính sách kinh phí kịp thời cũng như hoạt động tích cực, hiệu quả, có tay nghề của các Dẫn tinh viên, sự hưởng ứng tích cực của người dân nên tỷ lệ đàn bò lai tăng lên từng năm, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra: Kết quả phối giống năm 2022 đạt 8600 con theo kê hoạch, bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ  20 - 25 kg (đối với nhóm bò Zebu), cao hơn 25 - 30% so với bê Việt Nam (15-18kg).  Bê lai sinh ra từ nhóm bò chuyên thịt có trọng lượng sơ sinh từ 26 – 31 kg/con (riêng bê lai BBB trọng lượng sơ sinh đạt từ 35 – 42 kg), trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 270-300 kg, với giá bán từ 25 – 30 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò lai Zebu. Uớc tính một năm có khoảng 8.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò đem về nguồn thu khoảng 150 tỷ đồng/năm.

Theo ông Trần Hữu Dược - dẫn tinh viên có gần 30 năm kinh nghiệm ở xã Kim Thạch, Huyện Vĩnh Linh “các bê lai sinh ra đều có ngoại hình đẹp, tầm vóc lớn, phàm ăn và tăng trưởng  nhanh nên được người chăn nuôi rất ưa chuộng, tỷ lệ thịt xẻ  xấp xỉ 70%,  chất lượng thịt thơm ngon nên thương lái cũng mua với giá cao hơn so với bò vàng Việt Nam”.

Từ kết quả của chương trình cải tạo đàn bò nhiều hộ nông dân đã phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, mở ra hướng đi mới về chăn nuôi bò tập trung theo quy mô trang trại an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền cho bà con thực hiện chăm sóc tốt đàn bò, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chỉ đạo Dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo, chọn các giống bò có năng suất, chất lượng cao trong sản xuất phù hợp với tình hình chăn nuôi tại địa phương. Tiếp tục chọn lọc và sử dụng đàn nái nền chất lượng (tỷ lệ lai Zebu từ 50% trở lên) phục vụ lai tạo với các giống bò thịt chất lượng cao như BBB, DroughtMaster, Charolai,…nhằm tăng năng suất, chất lượng đàn bò thịt, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh./

 

Hình ảnh1:Bê lai được TTNT bằng tinh Bramand       Hình ảnh 2 :Bê lai được TTNT bằng tin

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 5149

Tổng lượt truy cập: 3.173.292