Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Việc liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh trong 03 năm trở lại đây và đem lại hiệu quả cao cho người dân, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nhờ đó năng lực hoạt động của các hợp tác xã cũng được tăng thêm một bước.

Xác định được tầm quan trọng của việc liên kết nên ngày càng có nhiều hợp tác xã tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: 12 Hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Đại Nam để tổ chức các cánh đồng lớn sản xuất lúa hữu cơ, 03 HTX liên kết với Công ty Nafood xây dựng mô hình trồng chanh leo; Có 04 HTX liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công với các công ty như CP, Goolden Star, Thái Việt... và nhiều mô hình tổ hợp tác, liên kết quy mô nhỏ giữa HTX với Doanh nghiệp. Các dự án liên kết trên đã phát huy hiệu quả tích cực về lợi nhuận, nâng cao năng lực cho các HTX về áp dụng các quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

       Tổng số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao ước tính đến hết năm 2020 khoảng 5% (15 Hợp tác xã). Trong đó, số lượng hợp tác xã áp dụng công nghệ trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản 08 hợp tác xã; công nghệ tự động hóa 07 HTX, công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh là 01 HTX. Số hợp tác xã sở hữu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 07 Hợp tác xã với nhiều sản phẩm đa dạng như cà phê, gạo chất lượng cao, hồ tiêu, dược liệu, mỹ phẩm...

      Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó  khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của các hợp tác xã vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn tài chính, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít, chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trình độ cán bộ hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít. Điều đó, cho thấy sức hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản.
      Nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu của các hợp tác xã, đặc biệt là nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm. Đây là những nhu cầu rất thiết thực của các hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, phục vụ lợi ích trực tiếp của thành viên nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
       Trước những khó khăn đó, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua vai trò của hợp tác xã, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như sau:
       Về cơ chế, chính sách: 
       Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vai trò của Hợp tác xã, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua vai trò của hợp tác xã, xác định cụ thể các nội dung, số lượng mô hình, phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành, địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động thực hiện tốt công tác hướng dẫn lập dự án liên kết, ký kết các hợp đồng liên kết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh.
        Tập trung tuyên truyền vận động người nông dân nhận thức được vai trò của Hợp tác xã trong việc liên kết, hợp tác sản xuất – tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao trình độ áp dụng khoa học công nghệ, thông tin và trình độ sản xuất.
       Tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
        Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP theo 3 trục chủ lực: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN; triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
       Về nguồn lực:
       Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đề hỗ trợ cho việc phát triển các liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, khuyến nông v.v. hàng năm ngân sách tỉnh và các huyện  cân đối, bố trí để hỗ trợ thêm cho việc xây dựng các dự án, các mô hình điểm để từng bước nhân rộng.
        Về nâng cao năng lực cho Hợp tác xã, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp:
       Củng cố và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết hộ: Liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân (liên kết ngang) tạo vùng sản phẩm có khối lượng lớn đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, đối tác tham gia liên kết bền vững. Xây dựng và tăng cường củng cố các hợp tác xã, lấy hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, thúc đẩy việc thành lập các liên hiệp hợp tác xã hình thành các liên kết bền vững và thương hiệu sản phẩm vùng, miền.
       Thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết: Tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và nước ngoài  hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
       Xúc tiến thương mại: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại với những mặt hàng nông sản, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản, tổ chức hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền, các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiên thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người sản xuất triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và có cơ hội để gặp gỡ, kết nối.

 

                                                                                                                                                                                    Nguồn tin: Trần Hoa Lệ, Chi cục Phát triển nông thôn

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1398

Tổng lượt truy cập: 3.558.071