Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày18/12/2020, Ban Điều hành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tống kết thực hiện Chương trình giai đoạn 2018-2020 và định hướng, giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Tham dự Hội nghị với sự tham gia của gần 100 đại biểu là đại diện cho các sở, ban ngành cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã, các địa phương và đặc biệt là các chủ thể tham gia Chương trình từ năm 2019 đến nay gồm chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh.
       
        Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018; tuy nhiên đến năm 2019 các chủ thể mới bắt đầu nhận thức được những lợi ích khi tham gia chương trình và chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cuối năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 2 sản phẩm 4 sao và 17 sản phẩm 3 sao và đến cuối năm 2020 có thêm 34 sản phẩm đề nghị công nhận 3 - 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao mới và 4 sản phẩm 3 sao năm 2019 nâng cấp lên 4 sao; Có 78 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa với sự tham gia của 53 đơn vị tổ chức kinh tế trên toàn tỉnh, vượt mục tiêu kế hoạch của tỉnh.
       
       Sau hai năm triển khai thực hiện Chương trình; để nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm thì ngoài các giải pháp nâng cao năng lực cho chủ thể, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng; hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu…

 

Sản phẩm OCOP của các huyện tham gia trưng bày tại hội nghị 

  Cũng tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Phó Trưởng Ban Điều hành Chương trình cũng đã nhấn mạnh rằng những con số đạt được ngày hôm nay tuy chưa phải là lớn so với các tỉnh bạn trên cả nước nhưng đã thể hiện được sự cố gắng, nổ lực vượt bậc của cả một hệ thống từ các cơ quan giúp việc cấp tỉnh, huyện cũng như các địa phương và chính các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm được trao giấy chứng nhận OCOP là những sản phẩm đạt chuẩn cả về hình thức và chất lượng, lấy uy tín làm tiêu chí hàng đầu để đảm bảo sự hài lòng của người tiêu dùng chứ không chạy theo thành tích. Và trong giai đoạn tới, để đạt được những kết quả cao hơn nữa thì ngoài sự cố gắng của chính các chủ thể sản xuất, kinh doanh; bộ máy thực hiện chương trình các cấp cần có sự định hướng, tư vấn và hỗ trợ cần thiết để đạt được những mục tiêu đề ra là tiêu chuẩn hóa khoảng 145 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển từ 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao; 15 sản phẩm đạt 4 sao và 82 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.

                                                                                                                                                                        Nguồn tin: Thùy Vân - Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 522

Tổng lượt truy cập: 3.591.244