Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Từ những năm đầu thập niên 90 của Thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã xác định công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển thủy sản theo hướng bền vững. Trên cơ sở các quy định của Hội đồng Nhà nước và Bộ Thủy sản, ngày 23/3/1992 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-UB về việc thành lập Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị (nay là Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị). Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã và đang từng bước khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của mình trong sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Là tỉnh duyên hải Miền Trung, nằm ngay trước cửa ngõ Vịnh Bắc bộ, có chiều dài bờ biển gần 75 km, trải dài trên các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền (Mũi Lay) 13 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km2, vùng biển xung quanh đảo là nơi trú ngụ, sinh trưởng của các loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây không chỉ là ngư trường quan trọng đối với hoạt động khai thác hải sản, mà còn là một bộ phận cấu thành lãnh hải, phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với diện tích rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, ngư trường Quảng Trị được đánh giá là nơi tập trung nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, thuận lợi cho khai thác, đánh bắt thủy, hải sản… Với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô đặc trưng, cỏ biển, đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Có 2 cửa biển Cửa Tùng và Cửa Việt là 2 trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, là nơi giao thương, mua bán sản phẩm từ khai thác biển. Hàng năm, có hàng ngàn lượt tàu cá trong và ngoài tỉnh tập trung khai thác ở ngư trường Quảng Trị và cập các cảng cá trên địa bàn tỉnh để bán sản phẩm hải sản khai thác. Toàn tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, có trên 8.000 lao động ngư nghiệp nhiều kinh nghiệm, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm có giá trị kinh tế cao.

Xác định tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản luôn tích cực, chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo điều hành về hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản;… Các văn bản do Chi cục tham mưu, đề xuất đã nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự vùng biển, đảo của tổ quốc.

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Từ những ngày đầu mới thành lập, lực lượng mỏng, phương tiện, trang thiết bị thiếu thốn, chế độ, chính sách, kinh phí, phương tiện hỗ trợ cần thiết để thực thi pháp luật thủy sản trên biển còn nhiều hạn chế nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực của đơn vị, lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng được tăng cường, được tổ chức bài bản trong hoạt động thanh tra. Đã tích cực, chủ động phối hợp lực lượng với các địa phương, các Đồn Biên phòng ven biển, Cảnh sát Giao thông đường thủy và lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tỉnh bạn trong khu vực để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác hủy diệt ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho cán bộ, ngư dân ven biển, các khu vực trọng điểm nghề cá của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 13/6/2019 của UBND tỉnh về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm, nghề cấm để khai thác thủy sản. Kết quả: giai đoạn 1999 – 2011 lực lượng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã xử lý 1.029 vụ vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt là 641,878 triệu đồng, chuyển truy tố hình sự một vụ sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản; tịch thu 45,5kg thuốc nổ, 123 kíp nổ, 20m dây cháy chậm và 20 bộ xung điện; vận động người dân tự giác giao nộp 132 bộ xung điện. Giai đoạn 2012 – 2021 xử lý 174 vụ, số tiền xử phạt là 426,350 triệu đồng, tịch thu 28 bộ xung điện. Bên cạnh đó, đã triển khai cứu hộ hàng trăm cá thể rùa biển về với đại dương. Qua đó, góp phần đẩy lùi các hoạt động khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt; công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Về khai thác thủy sản: Năm 2008, sau khi hợp nhất Sở Thủy sản và Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ quản lý khai thác thủy sản được bổ sung cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản), đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản; hướng dẫn ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nhiều nghề khai thác thủy sản tiên tiến được chuyển giao kịp thời; công nghệ đóng tàu bằng vật liệu vỏ thép và vật liệu mới (Composite) được áp dụng. Nhờ vậy, năng lực khai thác thủy sản được nâng lên, nhất là khối tàu trên 15m, số tàu cá dưới 12m không phát triển; tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa ngày càng tăng; tình hình an ninh trật tự trên biển ổn định; sản lượng khai thác thủy sản tăng hàng năm, đời sống của người lao động nghề cá ngày càng được cải thiện, nhiều hộ làm ăn có hiệu quả và giàu lên từ hoạt động khai thác thủy sản, góp phần mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh. 

Về phát triển nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Chi cục đã tiến hành thả hàng vạn con giống thủy sản các loại tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phát triển nguồn lợi và lưu giữ các loài thủy sản bản địa, đồng thời bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Đối với công tác quản lý tàu cá, những năm đầu mới thành lập, ý thức tuân thủ quy định pháp luật của ngư dân, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác của cán bộ còn nhiều hạn chế… nên công tác quản lý tàu cá gặp rất nhiều khó khăn; triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/2003/CT-BTS của Bộ Thủy sản, Chỉ thị số 09/2004/CT-UBND của UBND tỉnh về việc điều tra tàu cá và thuyền viên ở địa phương và một số văn bản chỉ đạo về chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính Phủ, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều tra, thống kê năng lực tàu thuyền, ngư lưới cụ và lao động nghề cá. Nếu như năm 1992, số tàu thuyền toàn tỉnh chỉ có vài trăm chiếc với tổng công suất trên 7.500 CV, phần lớn là tàu công suất nhỏ phục vụ đánh bắt ven bờ thì đến hết năm 2021, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.882 chiếc với tổng công suất 142.208 CV; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 241 chiếc, trong đó có 211 tàu cá có chiều dài trên 15m thường thường xuyên tham gia khai thác vùng biển xa. Đặc biệt, thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ toàn tỉnh đã có 25 tàu cá có công suất lớn trên 400 CV gồm 17 tàu cá vỏ thép, 1 tàu cá vỏ Composite và 7 tàu cá vỏ gỗ được đóng mới và cải hoán nâng cấp 93 tàu cá đưa vào sử dụng cho hiệu quả cao.

Đối với công tác quản lý cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, từ chưa có cơ sở sản xuất kinh doanh ngư lưới cụ và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển; chế biến thủy sản đang còn thô sơ, sản phẩm sau khai thác chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị thấp. Đến nay, đã hình thành hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh là Cửa Việt và Cửa Tùng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Đã có hai cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, nhiều cơ sở chế biến, nhà máy thủy sản đông lạnh, Surumi và bột cá được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng và Cửa Việt với công suất hàng chục ngàn tấn/năm, góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con ngư dân. Nhiều sản phẩm chế biến được xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào và thị trường Châu âu. 

Trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản, từ sau khi thành lập Chi cục Thủy sản trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục được bổ sung thêm nhiệm vụ hướng dẫn sản xuất nuôi trồng thủy sản; giống thủy sản; thức ăn, nguyên liệu, chất bổ sung thức ăn thủy sản và quản lý môi trường nuôi, các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã tích cực, chủ động tham mưu tổ chức thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh gần 3.500 ha và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và bền vững; nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học được triển khai, nhân rộng và mang lại hiệu quả, diện tích nuôi cá nước ngọt ở sông, ao hồ tự nhiên, ao hồ đào tiếp tục được mở rộng. Đã hình thành một số vùng nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh ven bờ sông Bến Hải, sông Hiếu và vùng cát ở các huyện ven biển. Người nuôi đã từng bước chú trọng đầu tư về giống, tuân thủ quy trình kỹ thuật, thời vụ, mở rộng nhiều hình thức nuôi; phát triển diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, giảm diện tích nuôi quảng canh, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả. Phát triển nhanh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên vùng cát, công nghệ nuôi lồng bè trên sông với các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi đang được hình thành, hướng đến sản xuất tôm theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm, giảm thiểu rủi ro về thị trường, giá cả và tăng hiệu quả sản xuất. 

 

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong những năm qua hoạt động thủy sản của tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, nhất là diễn biến hết sức phức tạp của COVID-19. Song với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong thời gian tới hoạt động thủy sản sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và lao động thuộc Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới phương thức làm việc, quyết liệt, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về thủy sản, sát cánh cùng các đơn vị địa phương đưa ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

                                                    Nguyễn Hoài Nam- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị

 

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 687

Tổng lượt truy cập: 3.544.516