Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG NẮNG NÓNG CHO ĐÀN VẬT NUÔI

Theo dự báo, mùa hè năm nay tiếp tục là năm có những trận nắng nóng và có thể kéo dài. Nhiệt độ cao và kéo dài là một trong những yếu tố làm giảm sức đề kháng của vật nuôi có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Để kịp thời ứng phó và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị hướng dẫn người dân một số biện pháp chăm sóc để chủ động phòng, chống nắng, nóng bảo vệ cho đàn vật nuôi như sau:

1. Đối với chuồng trại chăn nuôi

- Chọn nơi cao ráo và làm chuồng cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 30 - 40cm, có thể là dưới bóng của cây to hoặc trồng cây xanh xung quanh chuồng.

- Hướng chuồng theo hướng Đông, Nam, tốt nhất là hướng Đông Nam.

- Mái chuồng: Nên lợp bằng mái ngói, fibro xi măng hoặc mái lá, thiết kế mái chuồng để lưu thông không khí tốt hơn, mái hiên cách mặt đất tối thiểu 2m. Có thể phủ lên mái các vật liệu chống nắng, chống nóng như tre, nứa, lá, rơm hoặc trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp.

- Nền chuồng: Có độ dốc 1-2% để tránh đọng nước. Có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên).

- Có rèm che xung quanh để những ngày nắng nóng mở lên nhằm thoát nhiệt hoặc để tránh vật nuôi nhiễm lạnh khi có những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột ngột.

- Có hệ thống cửa để thông gió, nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương trong thời điểm nắng nóng.

- Bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi

- Trồng cây xung quanh khu vực chuồng nuôi tạo bóng mát.

2. Mật độ chăn nuôi: Giảm bớt mật độ nuôi nhốt.

- Đối với lợn:  Mật độ nuôi nhốt đối với nái 2-3 m2/con, lợn thịt là 1 m2/con.

- Đối với trâu, bò thịt là 4-5 m2/con.

- Đối với dê là 1,8-2 m2/con.

- Đối với gia cầm: Gà úm: 50 - 60 con/m2, gà trên 30 ngày tuổi: 5-7 con/m2; Đối với gà sinh sản: gà mái: 5 - 6 con/m2, gà trống: 3 - 4 con/m2, gà mái đẻ: 5 con/m2. Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần thức ăn, cho ăn thêm rau xanh.

3. Về chăm sóc nuôi dưỡng

- Thức ăn đảm bảo chất lượng không ôi thiu, mốc, thối, không nhiễm bẩn. Cân đối khẩu phần thức ăn cho từng đối tượng, giai đoạn phát triển, khai thác của từng loại vật nuôi, nhất là bổ sung nhiều thức ăn rau xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả ... và các loại vitamin, glucoza, chất điện giải .... Sử dụng thức ăn hỗn hợp đảm bảo chất lượng đáng tin cậy do các hãng thức ăn có uy tín sản xuất. Cho ăn thức ăn dễ tiêu, nên cho thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối.

- Đảm bảo đủ nước sạch, mát và thường xuyên cho vật nuôi uống và dễ dàng tiếp cận.

- Vào những ngày nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể.

- Thời gian chăn thả gia súc: Buổi sáng từ 6-9 giờ; buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18 giờ. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài; nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nhốt gia súc và cho ăn tại chuồng hoặc buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát.

- Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đối với trâu, bò cày: buổi sáng đi làm sớm về sớm và buổi chiều đi làm muộn, về muộn.

- Sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… vì vậy cần có phương án bổ sung kịp thời các vitamin, chất dinh dưỡng ... nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Tăng cường chăm sóc gia súc non do khi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng thấp hơn so với các con trưởng thành.

4. Về công tác vệ sinh thú y

- Hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải xung quanh chuồng trại, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu tạo môi trường sạch chăn nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và phun thuốc sát trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1-2 lần/tuần bằng các loại hóa chất như: Iodine 10 %, Benkocid, Chloramin,... .

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y như: Lở mồm long móng gia súc; Viêm da nổi cục trâu bò; Dịch tả lợn; Tụ huyết trùng trâu bò, lợn, gia cầm; Phó thương hàn lợn; Cúm gia cầm; Niu-cát-xơn; Gum-bô-rô; Dịch tả vịt,...

- Định kỳ tẩy ký sinh trùng cho vật nuôi, đồng thời thực hiện các biện pháp diệt chuột và các loại côn trùng như: gián, ve, bét, ruồi, muỗi, mòng, ...

Dương Ngọc Linh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 127

Tổng lượt truy cập: 3.562.500