Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

      Cán bộ thú y cơ sở luôn được coi là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi, thú y, có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu phòng, chống và khống chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi.Những năm qua, hệ thống thú y cơ sở đã có những đóng góp lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của địa phương phát triển.

Để bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gio Linh cùng hệ thống nhân viên thú y các xã, thị trấn đã tổ chức giám sát định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nuôi, mới lớn chưa được tiêm phòng các loại vắc-xin trong các đợt tiêm phòng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế kịp thời, giúp người chăn nuôi hạn chế thiệt hại kinh tế ở mức thấp nhất.

Triển khai công văn 1023/UBND-NC ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết 161/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị về việc Quy định mức hỗ trợ và ngân sách bố trí cho công tác khuyến nông và thú y trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Gio Linh đã thành lập Hội đồng tuyển chọn nhân sự Khuyến nông viên và Thú y viên các xã, thị trấn huyện Gio Linh. Trên cơ sở kết quả xét chọn của Hội đồng, UBND huyện Gio Linh đã ban hành các Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 29/3/2022 về việc phê chuẩn kết quả xét chọn nhân sự Khuyến nông viên và Thú y viên các xã, thị trấn huyện Gio Linh đợt 1 và Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 09/5/2022 về việc phê chuẩn kết quả xét chọn bổ sung nhân sự Thú y viên xã Gio Sơn huyện Gio Linh, theo đó, toàn huyện tuyển chọn được 17 Nhân viên thú y cho 17 xã, thị trấn

Thực tiễn phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện Gio Linh những năm qua cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở hoạt động khá hiệu quả từ công tác phòng chống dịch bệnh đến hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 161/2021/NQ-HĐND, mỗi xã, thị trấn chỉ còn 01 nhân viên thú y thực hiện tất cả các nhiệm vụ về chăn nuôi thú y trên địa bàn xã, thị trấn như: tham mưu chính quyền địa phương tổ chức, triển khai, quản lý tốt tình hình dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển chăn nuôi, hằng ngày trực tiếp giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại cơ sở; tham gia thống kê đàn gia súc, gia cầm, số hộ chăn nuôi; triển khai tiêm phòng; thực hiện và phối hợp thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; tham gia quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn,..đã gặp không ít khó khăn. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2022 trên địa bàn huyện Gio Linh đạt thấp so với cùng kỳ các năm trước nhất là các nhiệm vụ cần nhiều nhân lực như công tác tiêm phòng, công tác tiêu độc khử trùng, công tác điều tra khảo sát chất lượng đàn bò, đàn lợn đều bị ảnh hưởng chậm tiến độ dẫn đến chất lượng đạt thấp.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là mặc dù trách nhiệm cao, công việc nhiều nhưng phụ cấp thấp (1.15 mức lương cơ sở/suất/tháng), chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ thú y cơ sở còn quá ít ỏi nên thiếu tính hấp dẫn và sự ràng buộc trách nhiệm.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, mạng lưới thú y cơ sở ngày càng thu gọn, nhiều nhân viên thú y xã có ý định bỏ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc chuyên môn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn huyện Gio Linh, đáp ứng tốt với yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới cần có những giải pháp thiết thực sau:

(1) Mạng lưới thú y cơ sở muốn vững mạnh phải được chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND cấp xã, quan tâm hơn, chọn đúng người có chuyên môn thú y, trình độ để thực hiện nhiệm vụ; Hỗ trợ thêm một phần kinh phí nhất là công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng là những nhiệm vụ cần sự tham gia phối hợp của nhiều người. 

(2) Cần có kế hoạch cụ thể về đào tạo, đào tạo lại và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thú y cơ sở, đồng thời phát huy đội ngũ thú y hành nghề trong địa bàn xã, thị trấn để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, phải có chế độ, chính sách cụ thể (BHYT, BHXH) đảm bảo quyền lợi để họ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

(3) Để thích ứng với điều kiện thiếu nhân lực trong thực hiện các nhiệm vụ cần sự hỗ trợ của nhiều người như công tác tiêm phòng, ngoài sự hỗ trợ của UBND cấp xã thành lập các tổ tiêm phòng thì nhân viên thú y các xã, thị trấn có thể kết hợp với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện các nhiệm vụ nhất là các xã liền kề.

(4) Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của nhân dân bằng cách tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và pháp luật về thú y...

Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, để bảo vệ đàn vật nuôi, khống chế dịch bệnh, vai trò của mạng lưới thú y cơ sở rất quan trọng. Việc thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần giúp mạng lưới thú y cơ sở mới ngày càng vững mạnh, yên tâm công tác và gắn bó với nghề hơn.

                                                                      Bùi Thị Trang Nhung

                                                   Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gio Linh

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1456

Tổng lượt truy cập: 3.219.099