Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kế hoạch hành động về thúc đẩy quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030 nhằm thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái”.

THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2022- 2030

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động về thúc đẩy quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030 nhằm thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái”.

Kế hoạch hành động đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Đối với công tác đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên, mỗi tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Ngoài ra, Kế hoạch đưa ra mục tiêu phấn đấu có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh. Qua đó, giảm 30% lượng thuốc BVTV và 30% lượng phân bón hóa học; trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện.

Một là truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM, ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM.

Phổ biến các hình thức sinh hoạt cộng đồng (câu lạc bộ, diễn đàn, hội thảo đầu bờ, triển lãm/hội chợ, hội quán…) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường; Đưa các nội dung IPHM vào chương trình giảng dạy và thực hành tại các trường học để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho thế hệ trẻ.

Hai là xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM gồm: Xây dựng, ban hành bộ tài liệu tập huấn về IPHM để phục vụ các chương trình đào tạo giảng viên IPHM cấp quốc gia, giảng viên IPHM cấp tỉnh, hướng dẫn viên cộng đồng và nông dân nông cốt về IPHM. Xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện chương trình IPHM và quy trình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực.Hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái, cảnh quan nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng cho mỗi loại cây trồng…

Ba là xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực IPHM; các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong đào tạo giảng viên IPHM quốc gia, giảng viên IPHM cấp tỉnh; đào tạo, tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng, lớp huấn luyện nông dân FFS, tập huấn chuyên đề, nông dân thực nghiệm/nghiên cứu đồng ruộng, mô hình ứng dụng IPHM…

Bốn là đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM, trong đó nông dân nòng cốt (các nhân tố tích cực của các đoàn thể, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp) được đào tạo, tập huấn để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng.

   Năm là xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất,  triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã; huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, HTX… gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.

Sáu là nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất; nhân giống sạch bệnh, sản xuất hạt giống khỏe phục vụ sản xuất, tuyển chọn, chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học BVTV, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh cho các tổ chức, cá nhân…

Bảy là soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM, hỗ trợ nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực tại cơ sở.

Tám là đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế về phòng chống sinh vật gây hại xuyên biên giới; mở rộng hợp tác với các quốc gia, FAO và các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo nguồn nhân lực, nguồn vốn và tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực IPHM.

Theo Kế hoạch hành động, kinh phí thực hiện do ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định, được phân bổ từ các nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Ngoài ra còn có kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan; kinh phí tự có của các tổ chức kinh tế - xã hội; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp từ các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để tổ chức thực hiện, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, tích cực chỉ đạo để thúc đẩy ứng dụng rộng rãi IPHM trong thực tiễn sản xuất…Ngoài ra Bộ NN-PTNT giao Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình UBND phê duyệt và chỉ đạo triển khai kế hoạch thúc đẩy ứng dụng IPHM trên địa bàn.

Trên cơ sở của Kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, cùng với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể, tin tưởng rằng chương trình IPHM sẽ trở thành chương trình quan trọng, không thể thiếu trong định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Võ Xuân Thành- Chi cục Trồng trọt và BVTV

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 61

Tổng lượt truy cập: 3.562.434