Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

          UBND TỈNH QUẢNG TRỊ                 SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                                                                                 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 742/SNN-TTBVTV

V/v tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và ứng phó với thiên tai cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023

 

Quảng Trị, ngày 30 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

 

Vụ Đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh gieo cấy trên 25.979 ha lúa, đạt  101,8% kế hoạch (KH: 25.000 ha). Qua kiểm tra thực tế nhận thấy các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt; đang ở giai đoạn phát triển đòng – chuẩn bị trổ bông (dự kiến một số diện tích bắt đầu trổ từ đầu tháng 4, trổ tập trung từ 05-15/4/2023). Tuy nhiên, thời gian qua thời tiết tương đối thuận lợi tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sâu bệnh đã phát sinh gây hại như: Chuột (DTN 938 ha), bệnh đạo ôn lá (DTN 354 ha), bệnh khô vằn (DTN 128 ha) và bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy các loại, sâu cuốn lá,... phát sinh gây hại cục bộ ở một số vùng.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới là thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa giông, lốc tố,... nguy cơ làm đỗ ngã lúa đang ở giai đoạn trổ bông đến chín, nhất là trên các chân ruộng mật độ gieo dày, bón thừa đạm, thường xuyên giữ nước trong ruộng. Trước diễn biến khó lường thời tiết, thực trạng sinh trưởng cây lúa và nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng,... dự báo thời gian tới là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt và nguy cơ lúa đỗ ngã khi có mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh,... làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ rất cao nếu không chủ động sớm các giải pháp ứng phó, chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Để đảm bảo một vụ mùa thắng lợi, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng của Ngành trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; yêu cầu các đơn vị trong Ngành có liên quan kịp thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cấp ủy và chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất nói chung, đặc biệt là sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2022-2023; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo về tình hình thời tiết cực đoan và các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ để người dân biết, chủ động các giải pháp ứng phó, phòng trừ;

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế phối hợp với Trạm Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông cùng các địa phương tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, ứng phó với thiên tai và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại. Một số biện pháp kỹ thuật áp dụng cụ thể:

- Các giải pháp chăm sóc cây lúa giai đoạn đòng, trổ, chín:

+ Trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu Kali như: Kali Humat, Siêu kali... để phun lên lá giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã (phun vào lúc chiều tối, không mưa, tránh khi lúa phơi mao). Đồng thời tăng cường phun phòng các loại thuốc phòng, trừ bệnh khô vằn và đạo ôn để phòng ngừa bệnh gây hại, hạn chế thiệt hại năng suất.

+  Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380C, nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi mao, ở những chân ruộng có điều kiện, cần giữ nước cao trong  ruộng lúa từ 10 - 15 cm, nhằm hạn chế tỉ lệ hạt lép và thoái hóa đầu bông.

+ Trước khi thu hoạch 7-10 ngày cần rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.

+ Kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao; khi xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng và tranh thủ thu hoạch kịp thời trên diện tích lúa đã chín trên 85%; Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn trổ, chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín; Đối với lúa đang ở giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đỗ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

- Phòng trừ các loại sâu bệnh hại:

+ Bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông: Tăng cường kiểm tra, phun phòng bệnh kịp thời, đúng thời điểm; đối với bệnh đạo ôn cổ bông chỉ phun phòng mới có hiệu quả cao. Phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ 5-7 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Tricyclazole + Fenoxanil, Tricyclazole + Propiconazole,… như: Beam, Map Fami,...

Chú ý: trên những chân ruộng có áp lực bệnh cao như:  những vùng bị nhiễm đạo ôn lá, vùng ổ dịch, ruộng bón thừa đạm, những vùng gieo giống nhiễm (HC95, IR38, VN10, Bắc thơm 7, An sinh 1399,...);  Để phun thuốc có hiệu quả cần phải pha đúng nồng độ theo khuyến cáo của từng loại thuốc và phun ướt đẩm lá (lượng nước thuốc 20 lít/sào trở lên).

+ Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau những trận mưa giông cần kiểm tra bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Ningnanmycin, Bronopol,… như Diboxylin, Bonny, Xantocin... ngay khi bệnh mới xuất hiện. Chú ý: Trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm, giống nhiễm,...

+ Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá: Thường xuyên kiểm tra mật độ rầy và sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời và hiệu quả.

Đối với rầy cần tiến hành phun thuốc ngay khi có mật độ 750 con/m2 bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Nitenpyram, Etofenprox,... như: Chess, Starcheck,...; để phun thuốc có hiệu quả cần đi chậm, rẽ lúa thành từng băng và phun vào gốc lúa nơi rầy tập trung, đồng thời phải đảm bảo lượng nước thuốc 30 lít/sào trở lên; đối với những ruộng có mật độ rầy cao có thể hổn hợp thuốc Chess + Trebon để phun.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun thuốc trừ sâu ở những nơi có mật độ khoảng10-20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1-2. Chú ý thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo an toàn cho nông sản.

+ Bệnh khô vằn: Kiểm tra và phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin A, Hexaconazole như Valydan, Vivadamy, Anvil...Có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole + Tricyclazole, Azoxystrobin + Difenoconazole,  Difenoconazole + Propiconazole,… như Newtec, Amistar Top, Tilt supe... để phòng trừ nhóm bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn.

+ Tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, dùng bẫy bã kết hợp sử dụng các loại thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, các thuốc có hoạt chất thế hệ mới như Diphacinone (Gimlet, Linh miêu, Kaletox…). Công tác diệt chuột cần được thực hiện thường xuyên, liên tục mới có hiệu quả. Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng biện pháp xung điện để diệt chuột.

+ Ngoài ra, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại như bệnh thối thân, thối gốc, lem lép hạt, nhện gié…theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để không làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa cuối vụ

- Trong quá trình thực hiện những khó khăn vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Trồng Trọt và BVTV) để tổng hợp, phối hợp xử lý.

2. Các đơn vị trong Ngành có liên quan

2.1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và thiên tai, dịch hại; thực hiện tốt công tác tham mưu và chỉ đạo sản xuất tại cơ sở. Kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình cho Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, phối hợp với các địa phương thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện, thực hiện tốt công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại lúa nhất là giai đoạn trổ bông đến thu hoạch.

- Chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, hướng dẫn các biện pháp ứng phó, khắc phục thiên tai, phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

2.2. Chi cục Thủy lợi

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác tưới, tiêu phù hợp với tình hình thời tiết giai đoạn cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023, đảm bảo điều tiết nước hợp lý để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, nhất là giai đoạn trổ bông, đồng thời tiết kiệm nguồn nước để sản xuất vụ Hè Thu 2023.

- Chủ động các giải pháp phòng chống và khắc phục sự cố sau thiên tai, bảo vệ an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất.

 2.3. Các Trung tâm: Khuyến nông, Giống nông nghiệp

- Phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ và các giải pháp ứng phó với thiên tai.

- Tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền, nhất là phát trên Trang Nông nghiệp để cảnh báo, hướng dẫn các giải pháp ứng phó với thiên tai, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa cuối vụ.

3. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các cơ quan truyền thông                       

- Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời tình hình thời tiết, đặc biệt các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động trong phòng, chống thiên tai.

- Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị: Tiếp tục phối hợp, tăng cường thời lượng tuyên truyền về các giải pháp ứng phó với thiên tai và phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ Đông Xuân 2022-2023.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo; Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc Sở và các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện./.

 

 

 

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Quốc

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 888

Tổng lượt truy cập: 3.533.721