Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thực hiện nhiệm vụ môi trường “Xây dựng các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường (đất, nước) phục vụ sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung”. Giai đoạn 2021-2023, Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ phối hợp Viện Môi Trường Nông Nghiệp đã điều tra, đánh giá thực trạng, xây dựng các giải pháp và mô hình có hiệu quả kinh tế trên đất bị bồi lấp cát, thịt, sét, sỏi so với hiện trạng ban đầu. Để phổ biến và mở rộng các giải pháp trong thời gian tới, ngày 18/6/2024 Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Viện Môi Trường Nông Nghiệp tổ chức hội thảo tại Quảng Trị về tham vấn các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường (đất, nước) với cơ cấu cây trồng và biện pháp canh tác phù hợp.

         Tham dự hội nghị có đại diện Vụ khoa học công nghệ và môi trường, đại diện Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đại diện các đơn vị, địa phương 3 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ năm 2020.

          Hội thảo đã báo cáo kết quả điều tra, đánh giá ảnh hưởng môi trường đất, nước và các giải pháp cải tạo khắc phục. Kết quả ứng dụng các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường (đất, nước) phục vụ sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ mang lại hiệu quả với 7 mô hình ứng dụng đồng bộ các quy trình, giải pháp trên các loại cây trồng lạc, ngô, đậu xanh, bưởi, vừng,... thực hiện tại 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Tại Quảng Trị, Viện Khoa họa kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành thực nghiệm các giải pháp trên các vườn tiêu bị ngập úng tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ và trên đất bị bồi lấp cát, thịt, sét, sỏi cao hơn so với hiện trạng ban đầu từ 0,5-1 m tại xã Ba Lòng, huyện ĐaKrong với các loại cây Lạc, đậu xanh và ngô bằng các giải pháp chính như xử lý rễ bằng thuốc trừ nấm rễ, chế phẩm Trichoderma, bổ sung phân bón lá, phân hữu cơ vi sinh, sử dụng chế phẩm kích thích nốt sần cố định đạm và các biện pháp thâm canh tổng hợp. Kết quả trên cả 2 mô hình các loại cây đều có các chỉ tiêu sinh trưởng tốt hơn, tỷ lệ nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại thấp hơn và năng suất cao hơn so với các vườn đối chứng không áp dụng các biện pháp cải tạo.

          Các tham luận của hội thảo đã làm rõ hơn về những kết quả đạt được của các mô hình cải tạo, phục hồi môi trường (đất, nước) trên đất màu, đất trồng tiêu, đất trồng lạc, đất bồi sét, cát do mưa lũ,... như cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại và cho năng suất cao.

          Trên cơ sở đó, hội nghị đã tiến hành thảo luận thống nhất tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết, sát đúng với tình hình thực tế tại từng địa phương nhằm khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới./.

                                     Phạm Thị Phương Thảo – Trạm TT&BVTV Cam Lộ

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 256

Tổng lượt truy cập: 3.556.929