Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Phòng trừ bệnh hại cao su giai đoạn ra lá mới

Từ đầu tháng 01 đến nay, thời tiết nhìn chung khá ấm, nền nhiệt độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước nên cây cao su rụng lá và ra lá mới không tập trung. Thời tiết ấm và ẩm đã tạo điều kiện cho các loại dịch hại trên cao su phát sinh gây hại như: bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo gây hại nhiều vườn; bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá bắt đầu gây hại rải rác trên lá non.

Thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù, gió mùa Đông Bắc, ẩm độ không khí cao là điều kiện rất thuận lợi để bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá phát sinh phát triển và lây lan ra diện rộng.

Bệnh phấn trắng thường chỉ tấn công các lá non dưới 2 tuần tuổi và các chồi non mọc lại sau khi qua đông. Nấm tấn công lá, hình thành các đốm phấn trắng bên ngoài lá, nhất là ở mặt dưới lá. Lá bị thiệt hại nhiều nhất là các lá non còn màu nâu nhạt hoặc vàng nhạt khiến lá bị xoắn lại, khô héo và rụng, nếu lá không rụng thì bị biến dạng và đốm bệnh có màu vàng nhạt.

Khi một phần lá bị nhiễm bệnh và rụng, việc mọc lá non kéo dài thêm 2-4 tuần lễ: nếu chồi non còn sống được cây ít bị thiệt hại, nhưng thông thường bệnh tấn công mạnh gây nhiều đợt rụng lá có thể đưa đến chết cành. Phác hoa cùng dễ bị nhiễm bệnh khiến thất thu hạt cao su.

Bệnh phấn trắng lây lan do các bào tử nấm bệnh bay theo gió. Các bào tử nấm bệnh tồn tại suốt năm trên các chồi non mọc dưới tán cây già và khi gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ sinh sản ra các bào tử để phát triển và gây bệnh. Nếu thời tiết vào cuối mùa rụng lá qua đông gặp lúc nhiệt độ thấp, đêm lạnh đặc biệt có sường mù gây độ ẩm cao và kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.

    Bệnh héo đen đầu lá tấn công cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ cây non trong vườn ương đến cây cạo mủ và bênh chỉ trầm trọng khi gặp môi trường ẩm ướt. Như vậy, bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào có điều kiện thuận lợi và có thể lặp lại nhiều lần trong năm.

Lá non nhỏ hơn hai tuần tuổi rất dễ nhiễm bệnh. Các lá bị bệnh tấn công sẽ trở màu đen, héo và rụng đi cuống lá vẫn còn lại trên cành một thời gian và sau đó cũng rụng. Nếu bệnh tấn công lúc lá đã trưởng thành thì lá bị bệnh bị bệnh méo mó nhưng vẫn còn tồn tại trên cành.

Các đốm bệnh thường xuất hiện ở đầu lá, hình tròn có kích thước nhỏ khoảng hơn 2mm, bên trong có màu vàng khô và có thể rơi rụng và tạo nên một vết như lổ đạn. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, nấm bệnh sẽ tấn công cành non gây chết cành. Bệnh thường gây thiệt hại nặng cho vườn ương cây con và vườn kiến thiết cơ bản. Nấm bệnh sản sinh ra nang bào tử có chất nhầy và khó bay trong gió. Các nang bào tử sẻ được nước mưa bắn tung lên để gây bệnh. Nang bào tử tồn tại lâu trong môi trường ẩm ướt để phát triển bệnh.

Để trị bệnh phấn trắng và héo đen đầu lá cần tiến hành phun thuốc vào giai đoạn búp lá (lá có màu tím nhạt), khi lá chưa hoàn chỉnh về mặt hình thái và nên phun 2 lần.

Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Azoxystrobin + Difenoconazole, Cymoxanil + Propineb... (như: Evitin 50SC, Anvil® 5SC, Amistar Top® 325SC, Vival 760WP...) để phun. Khi phun thuốc nên sử dụng các chất bám dính và đảm bảo lượng nước để tăng hiệu quả phòng trừ. Sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) để phun với lượng nước đảm bảo phủ hết lá mới hạn chế được bệnh; phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày, khi phun thuốc lần 2 có thể kết hợp phun phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt./.

                                                  NGUYỄN VĂN KHOA

                                                               CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT QUẢNG TRỊ

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 909

Tổng lượt truy cập: 3.252.350