Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Những ngày này, bà con phường An Đôn - thị xã Quảng trị rộn ràng tất bật chăm sóc bên những luống hoa cúc phát triển xanh tốt và đang thời kỳ phân nụ. Vùng chuyên canh trồng hoa tết hàng năm của phường An đôn với diện tích 1ha nằm sau UBND phường, dọc bên bờ sông Thạch Hãn. Tết Giáp Thìn vừa qua, bà con trồng hoa phấn khởi với nguồn thu nhập khá, thời tiết thuận lợi nên hoa sinh trưởng tốt, nở đẹp, bà con bán được giá từ 5.000 - 7.000 đồng/cây thu lãi từ 13 - 15 triệu/sào.
 

      Vùng đất bãi biền ven sông và được bồi đắp một lượng phù sa lớn hàng năm khi mùa lũ về nên rất màu mỡ. Phường An Đôn có diện tích đất trồng ngô và cây sắn hàng năm 40 ha, tập trung chủ yếu dọc ven sông. Từ cầu Thạch Hãn hướng tầm mắt về triền sông thấy dập dờn một màu xanh tít mắt của bãi ngô. Người dân An Đôn chất phác, hiền lành, chịu thương chịu khó. Đời sống của đại đa số bà con nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu vẫn là thuần nông từ trồng trọt và chăn nuôi, cây trồng chính ở đây là ngô, sắn, hoa màu nên thu nhập đạt được không cao. 
      Từ thực tiễn canh tác và điều kiện tự nhiên, từ lợi thế vùng đất bãi bồi phù sa ven sông. Sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của bà con nông dân đã chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang trồng hoa cúc bán tết. Loại hoa này yêu cầu kỹ thuật cao, chăm sóc kỹ lưỡng. Qua nhiều vụ sản xuất, đúc rút kinh nghiệm và được tham quan học tập các nơi chuyên canh về hoa, tập huấn kỹ thuật của trạm khuyến nông, các lớp dạy nghề và hướng dẫn trên đồng ruộng. Đến nay bà con đã thuần thục trồng hoa từ công việc làm đất - chọn giống - trồng - chăm sóc - chăng đèn - phòng trừ sâu bệnh - thu hoạch, bảo quản cho ra những bông hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
      Từ trung tuần tháng 9 âm lịch, bà con bắt đầu công việc dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy và vùi lấp tàn dư cây trồng vụ trước để chuẩn bị cho vụ trồng hoa (đợt 1: trồng từ 20/9; đợt 2: đầu tháng 10 âm lịch). Sau đó cày bừa lật đất, sử dụng vôi khử chua và vệ sinh đồng ruộng, sử dụng men vi sinh trichoderma để cải tạo và tăng hệ sinh vật đất đồng thời hạn chế nấm bệnh gây hại. Xới xáo làm tơi đất, lên luống, tạo rãnh, bón lót đủ lượng, phân hửu cơ hoai mục, kỹ thuật phủ luống bằng rơm rạ, trấu hun được bà con thực hiện rất kỹ lưỡng để cây sinh trưởng tốt và tăng chất lượng hoa.
▪ Tiêu chuẩn giống về màu sắc và kích thước, cây giâm hom có màu sắc tươi, khỏe, chiều cao đạt 5 - 7cm, gốc phún rể trắng và mập, rễ dài 0,5 - 2cm, có từ 3 - 5 rễ, tiến hành trồng ngay để cây kịp bén rể. Các giống cúc được trồng phổ biến là mai vàng Đà lạt, cúc mâm xôi, cúc chi, pha lê tím, đỏ, hồng, trắng, cánh sen, thọ vàng; giá giống từ 700 - 900 đồng/cây.     
▪ Đất thích hợp để trồng cúc là đất tốt, đất thịt nhẹ, tơi xốp, đất phù sa bãi bồi, hàm lượng mùn khá, tưới tiêu tốt, pH đất từ 6 - 6,5. Đất được cày sâu, bừa kỷ, phơi ải trước vụ trồng hoa 10 - 15 ngày nhằm tăng hoạt động của vi sinh vật háo khí, giữ phân giữ nước tốt. Cày sâu bừa kỹ giúp rễ phát triển mạnh, cây sinh trưởng khỏe.
▪ Thời vụ trồng: Người dân áp dụng âm lịch để trồng sao cho hoa nở và thu hoạch kịp thời điểm tất niên và đón tết. Trồng vào 2 đợt chính, đợt 1 từ 20 - 25/9 âm lịch (22- 27/10/2024) các giống mai vàng; đợt 2 trồng đầu tháng 10 âm lịch (khoảng 02 - 05/11/2024) các loại cúc mâm xôi, cúc chi, pha lê. Khoảng cách trồng: hàng x hàng = 25cm; cây x cây = 15cm; tương đương 250.000 cây/ha. 
▪ Phân bón: Phân hữu cơ 20 tấn/ha; đạm 160kg; lân 200 - 300kg; kali 120kg. Bón lót: toànbộ phânhữu cơ +2/3 lân. Bón thúc chia làm 3 đợt: Lần 1 (sau trồng 15 - 20 ngày): 1/3 đạm + 1/3 kali. Lần2 (khicây phânhoámầmhoa): 1/3 đạm +2/3 kali +1/3 lân. Lần 3 (khi cây có nụ con): lượngđạmcòn lại. Thời gian từ trồng đến khi nở hoa bán ra thị trường khoảng 3 tháng nên khi cây sinh trưởng kém cần bổ sung phun các loại phân bón qua lá để kích thích sinh trưởng, cung cấp qua lá các nguyên tố đa lượng, trung lượng, vi lượng, kích thích ra nụ, tăng chất lượng hoa.
▪ Chăm sóc hoa được thực hiện kỷ lưỡng và thường xuyên từ khi trồng, cây con, phân cành, ra nụ, ra hoa. Xới xáo, vun gốc, kết hợp với làm cỏ là kỹ thuật quan trọng giúp rễ cây phát triển mạnh, cây khỏe, đồng đều. Khi cây phân cành nhánh mạnh (trên 40 ngày) thì hạn chế xới đất vì cây có rễ chùm ăn ngang, nhiều rễ phụ sẽ làm tổn thương rễ, chỉ thực hiện nhổ cỏ bằng tay, cắm thẻ tre đỡ cây phòng mưa gió lớn cây nghiêng rạp. Luôn kiểm tra và phát hiện sâu bệnh gây hại như bệnh đốm lá, rỉ sắt, lỡ cổ rễ, thối gốc trắng, héo vi khuẩn, các loại sâu xanh, sâu khoang, rệp gây hại làm xoăn ngọn, lá co rúm, thối nụ hoặc hoa nở dị dạng, cần xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn. 
      Sau khi cây bén rễ, ra lá mới (10 ngày sau trồng) sử dụng kỹ thuật chăng bóng điện nhằm kích thích cây tăng trưởng chiều cao, ngăn cản hiện tượng nở hoa sớm, hoa đạt tiêu chuẩn thương phẩm. Dùng bóng điện loại 75 - 85W treo cách mặt đất từ 1 - 1,2m; mật độ 1 bóng/10m2 hoặc 2m treo 1 bóng 25W. Chiếu sáng từ 7h tối (thời gian chiếu 5 - 6h/đêm), liên tục trong thời gian khoảng 25 - 30 ngày thì ngưng chăng đèn giúp cây chậm phân hóa mầm hoa, chiều cao đạt tiêu chuẩn. Sử dụng GA3 hoặc kích phát tố Thiên nông, phun ở giai đoạn đầu khi cây đang thời kỳ sinh trưởng. Khoảng ngày 20/12 âm lịch nếu nụ còn nhỏ sử dụng phân bón lá KNO3 để kích thích, phun vào lúc chiều mát.
      Chị Hoàng Thị Mộng Điệp Phó chủ tịch Hội Nông Dân, chị Trương Thị Quỳnh Nhi, trưởng nhóm trồng hoa, những hộ trồng hoa lâu năm bộc bạch: "Để trồng hoa cúc thành công thì đòi hỏi khâu trồng và chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo. Đến nay bà con đã nắm vững kỹ thuật, mạnh dạn mở rộng diện tích để tăng thu nhập, cung ứng hoa tươi cho các đầu mối chợ Quảng Trị và các vùng lân cận dịp lễ tết, giêng hai". Vụ hoa Tết năm ngoái, thời tiết thuận lợi nên diện tích hoa của gia đình chị nở kịp tết và được khách liên hệ đặt trước. Trừ chi phí đầu tư, mỗi sào cúc thu lãi từ hơn 13 triệu đồng. 
      Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông Dân phường: “Từ thực tế và kinh nghiệm triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao kỹ thuật, mô hình trồng hoa cúc và các mô hình khác. Trong những năm qua, phường xác định việc thực hiện chuyển đổi theo hướng tập trung, nông nghiệp ven đô thị, cây con có giá trị kinh tế cao,gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững của Thị xã ban hành”.
      Những ngày đầu tháng 12, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân rộn ràng tất bật chăm sóc những luống hoa đang thời kỳ phân nụ. Cây hoa cúc ở phường An Đôn đã khẳng định được tính thích nghi và đem lại thu nhập cao cho người dân nơi này, là hướng đi phù hợp của nhiều hộ dân khi chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, ngoài cây hoa cúc cần đa dạng thêm các loại hoa khác theo nhu cầu tiêu thụ như: đồng tiền, huệ, lay ơn, thược dược, có như vậy mới cung ứng hoa tươi liên tục trên địa bàn. Để việc trồng hoa ngày càng chuyên nghiệp, địa phương cần có chính sách hổ trợ và khuyến khích bà con hoàn thiện hệ thống tưới tự động, nhà lưới để hoa phát triển tốt và ngăn ngừa các yếu tố gây hại cho cây. Sau vụ hoa tiếp tục sản xuất rau màu để tăng hệ số sử dụng đất trong năm.
      Đứng giữa cánh đồng hoa cúc mai vàng, mâm xôi, cúc chi, thọ vàng, cúc pha lê tươi tốt đang kín hàng. Thầm mong vụ hoa năm nay của bà con thành công, thời tiết thuận lợi, hoa nở đẹp và đúng tết, bán được giá để bà con đón tết Ất Tỵ 2025 ấm áp vui tươi.


Võ Đức Quốc - Trạm KNLH Hải Lăng- Thị xã Quảng Trị

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 1552

Tổng lượt truy cập: 3.735.218