Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Mỗi chuyến đi làm việc nơi xa đều gắn liền với những câu chuyện, kỷ niệm đẹp. Những ngày cuối tháng 11 đoàn công tác Liên ngành tỉnh Quảng Trị gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cụm bản Chiêng Túp, huyện Sepon, tỉnh Savanakhet, nước CHDCND Lào.Mặc dù trời tiết những ngày này mưa phùn và rét nhưng những bước chân của các thành viên trong đoàn hỗ trợ vẫn không mệt mỏi trên đất bạn Lào tình nghĩa, để lại ấn tượng đẹp trong mắt cán bộ và người dân nước bạn. 

      Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn đại biểu cấp cao 02 tỉnh Quảng Trị và Savannakhet/Lào giai đoạn 2023-2025 ký ngày 27/12/2022 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Căn cứ công văn số 226 ngày 30/01/2024 của Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet/Lào về việc đề nghị hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại khu vực vùng Chiêng Túp, huyện Sepon, tỉnh Savanakhet. 
      Đây là lần đầu tiên, Đoàn công tác Liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đến với nước bạn Lào trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Vượt quảng đường xa trên 150 km đoàn công tác đã đến huyện Sepon, tỉnh Savannakhet/Lào. Trong ngày làm việc đầu tiên đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Chính quyền huyện Sepon và các Sở, ngành liên quan để trao đổi các nội dung liên quan đến kế hoạch khảo sát hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại Cụm Bản Chiêng Túp. Có được thông tin về cụm bản Chiêng Túp, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế, hai đoàn đã đã trao đổi cụ thể và thống nhất các nội dung cho chuyến đi thực địa trong ngày làm việc thứ  hai. 
      Xác định đây là nhiệm vụ vất vả nhưng rất vinh dự, sau bữa ăn tối, đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã triệu tập họp nhanh các thành viên trong đoàn để chuẩn bị cho công việc ngày thứ hai đi khảo sát thực địa. Với tinh thần “Làm hết việc chứ không làm hết giờ” các thành viên trong đoàn ai cũng nhiệt huyết và nỗ lực hết sức. Sau khi phân công nhiệm vụ cụ thể cho ngày thực địa, các thành viên trong đoàn cẩn thận kiểm tra, chuẩn bị những trang thiết bị dụng cụ mang theo. Tối đó ai cũng mong chờ mau sáng để mai lên đường.
      Mặc dù trơi mưa lạnh nhưng các thành viên trong đoàn dậy từ rất sớm, sau buổi ăn sáng vội, 6h đoàn lên đường vượt quảng đường xa 72km từ trung tâm thị trấn huyện Sepon theo tuyến đường phía Đông Xiềng Nứa đến cụm bản Chiêng Túp. Đường đi lại vào bản còn khó nên mất 2,5 tiếng đồng hồ đoàn công tác mới đến được bản, tuy vậy chặng đường xa chẳng là gì khi đoàn công tác vinh dự đại diện cho tỉnh Quảng Trị sang khảo sát hỗ trợ tỉnh bạn phát triển kinh tế.
      Sống ở miền biên viễn, người dân các bản của cụm bản Chiêng Túp nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tổng diện tích khu vực điểm Chiêng Túp 21.000 ha, phần lớn là đồi núi và một phần nhỏ đồng bằng, bao gồm: 06 bản, 14 làng; dân số 2.264 người không có điện lưới, không có sóng điện thoại, không có chợ để mua bán hàng hóa và thiếu nguồn thu vững chắc, phần lớn người dân làm nghề trồng trọt và chăn nuôi, thu hoạch rừng, … đây là vùng đầu nguồn sông Sê Băng Phay, có sông Sê Băng Hiêng chảy qua. Diện tích sản xuất trồng trọt: 917 ha, diện tích trồng lúa nương: 343,6 ha, diện tích trồng vụ mùa: 48,3 ha, vụ chiêm: 40 ha, diện tích mới khai hoang để trồng sắn: 200 ha và diện tích ruộng khai hoang: 100 ha; năng suất lúa ruộng:  2 - 2,5 tấn/ha. Giống gia súc là giống địa phương, người dân chưa biết kĩ thuật, việc chăn nuôi một số loài vật không có quản lý, giao phối cận huyết, không tiêm phòng bệnh, một số bản không có chuồng nuôi gia súc. Đối diện cái khó, cộng với nhận thức còn hạn chế, người dân nơi đây sản xuất nông nghiệp theo hình thức tự cung tự cấp, đa phần thiếu lương thực, quen với những phương pháp sản xuất lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật.
      Trong ngày làm việc, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khảo sát tại 3 bản: Bản Xúp Xa Lu, Bản Na và Bản Cọoc, với các hạng mục khảo sát: Vùng đất mới khai hoang khoảng 200 ha tại Bản Cọoc; Công trình thuỷ lợi sông Sa Lu cung cấp nước tưới cho 80 ha lúa nước thuộc Bản Na và Bản Xúp Xa Lu; Khảo sát tình hình trồng lúa và chăn nuôi trên địa bàn 3 bản; thực hiện lấy 10 mẫu đất tại các điểm do tỉnh Savannakhet đề nghị để phân tích nhằm có định hướng trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Anh Lê Công Thành, Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường cán bộ thực hiện khoan lấy mẫu đất chia sẻ: “Chúng tôi dường như quên mất khái niệm thời gian, khi thực hiện lấy xong mẫu đất ở bản Cọoc nhìn lại đã 1h chiều, sau đó mới tạm nghỉ để ăn trưa. Dù rất mệt nhưng ai cũng vui vì được chung tay hỗ trợ người dân nước bạn”.
      Qua khảo sát, điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp, tại các bản cho thấy đất đai tại đây tơi xốp, màu mỡ, tầng canh tác dày phù hợp để sản xuất các loại cây trồng màu (sắn, ngô, lạc) và trồng lúa nước 2 vụ ở những vùng có đủ nước tưới. Cụ thể: Vùng mới khai hoang 200 ha, đang trồng sắn khoảng 153 ha (cây sắn mới trồng vụ đầu tiên đang phát triển tốt, năng suất ước đạt 30 tấn/ha), diện tích còn lại có thể trồng thử nghiệm mô hình trồng ngô lai, ngô nếp hoặc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; Vùng 80 ha quy hoạch trồng lúa nước, trước mắt khi hệ thống thuỷ lợi chưa đầu tư hoàn thiện thì khuyến khích người dân trồng sắn để tăng thu nhập. Khi hệ thống thuỷ lợi được đầu tư hoàn thiện sẽ có hướng hỗ trợ, cung cấp giống lúa mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến để bà con canh tác lúa nước 2 vụ đảm bảo an ninh lương thực cho Cụm bản.
      Về sản xuất lúa, diện tích chủ yếu là lúa nương. Có một số diện tích lúa nước 2 vụ nhưng sử dụng bộ giống củ, thoái hoá nên năng suất không cao. Về chăn nuôi, Cụm bản có thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đồng cỏ nhiền nên thích hợp để phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, gia cầm (ngan đen). Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của người dân chủ yếu đang dựa theo phương thức, kinh nghiệm truyền thống và thiếu hiệu quả. 
      Trên cơ sở nhu cầu đề xuất của tỉnh Savanakhet và kết quả thực tế khảo sát thực tế, trong ngày thứ 3 Đoàn đã có buổi làm việc cùng Sở Nông lâm tỉnh Savanakhet/Lào do đồng chí Xu-pin Luỗng-đuộng, Quyền Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn để thống nhất triển khai một số công việc sắp đến. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, hai Đoànđã thống nhất ký Biên bản chuyến khảo sát để ghi nhận kết quả và các kiến nghị đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Trịvà cử đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin. Ủy ban chính quyền tỉnh Savanakhet và Huyện Sepon đã có chủ trương, định hướng quy hoạch các vùng, khu phát triển kinh tế xã hội địa phương nhưng còn gặp khó khăn do điều kiện nguồn lực và đang đề xuất thêm sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị/Việt Nam. Từ thực tế như vậy nên người dân nơi đây rất mong chờ sư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của đoàn tỉnh Quảng Trị. Thực ra, đó không chỉ là mong muốn của riêng người dân nước bạn, mà cũng là tâm huyết của đoàn công tác tỉnh Quảng Trị khi sang đây. 
      Đồng chí trưởng đoàn tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết trên cơ sở các thông tin của chuyến khảo sát đoàn sẽ đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại cụm Bản Chiêng Túp, huyện Sêpôn, tỉnh Savannakhet. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chính sau: Hỗ trợ xây dựng một số mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng lúa nước (sử dụng giống lúa tẻ và giống lúa nếp mới); trồng ngô lai, ngô nếp; Xây dựng một số mô hình trình diễn các kỹ thuật chăn nuôi như: Mô hình nuôi ngan, nuôi dê, nuôi bò kết hợp với trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; Hỗ trợ cán bộ kỹ thuật để chỉ đạo triển khai mô hình và đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm triển khai các mô hình cho cán bộ địa phương. Tư vấn kinh nghiệm xây dựng các Trạm dịch vụ nông nghiệp, hoạt động của lực lượng khuyến nông, thú y cơ sở cho tỉnh Savannakhet.
      Tuy thời gian chuyến làm việc không dài, chỉ trong 3 ngày nhưng các thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc được tình cảm, sự gắn bó, đoàn kết của chính quyền và người dân tỉnh tỉnh Savannakhet. Trở về từ nước bạn Lào, hình ảnh người dân huyện Sepon, tỉnh Savannakhet lưu luyến mãi trong tâm trí mọi người. Hẹn một ngày không xa đoàn công tác tỉnh Quảng Trị sẽ quay trở lại xây dựng các mô hình, phát huy tiềm năng lợi thế để hỗ trợ cho bà con nông dân nước bạn Lào phát triển các mô hình nông nghiệp, giúp người dân phát triển kinh tế một cách bền vững, xóa đói giảm nghèo cho nông dân nước bạn. Góp phần vun đắp tình đoàn kết, gắn bó giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào nói riêng và tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào nói chung.


Phan Việt Toàn - TTKN

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 1555

Tổng lượt truy cập: 3.735.221