Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỹ thuật trồng cây Giổi ăn hạt bằng cây ghép

Giổi ăn hạt là cây bản địa gỗ lớn, thường xanh, cao 25-30 m, đường kính trung bình từ 40-60 cm, thân tròn thẳng, gốc có bạnh vè nhỏ. Giổi thường phân bố từ Lào Cai đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
 

      Giổi ăn hạt là cây có giá trị kinh tế cao. Giổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh lại rất thơm. Vì thế từ xưa đến nay gỗ giổi rất được ưa chuộng. Ngoài giá trị về gỗ, hạt giổi còn có tác dụng làm thuốc chữa ho, đau bụng, ngâm rượu để bôi, chữa nhức mỏi gân xương, tê thấp. Hạt giổi với hương vị thơm ngăm đặc trưng riêng có, là gia vị không thể thiếu cho bí quyết của những món ăn, món chấm đặc sản, gia truyền. Cùng với giá trị về dược liệu và dinh dưỡng làm cho loại hạt này vô cùng quý hiếm. Giá 1 kg hạt giổi khô khai thác từ rừng dao động từ 4 - 4,5 triệu đồng. Hạt thu hái tập trung tại vườn trồng kinh doanh có giá từ 2,0 - 2,5 triệu đồng/kg hạt khô.
      Trước đây, trồng cây giổi gieo tạo từ hạt phải trên 10 năm cây mới cho quả. Hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo giống, người ta đã chọn lọc những cây khỏe mạnh, sai quả để làm vật liệu ghép. Cây giổi ghép có ưu điểm là nhanh ra hoa, chỉ sau 3 năm trồng đã cho quả bói, từ năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Nhờ vậy mà nguồn cây giống chất lượng hiện nay ngoài cho năng suất quả cao còn nhanh ra quả, cây ghép có đặc trưng là tán thấp, phân cành sớm nên thuận tiện cho chăm sóc thu hái. Những cây giổi tuổi thành thục khai thác có thể cho sản lượng 10 kg hạt/năm. 
      Để nâng cao năng suất và chất lượng cây giổi ăn hạt góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật cụ thể sau đây.
1. Điều kiện gây trồng
- Khí hậu: Lượng mưa trung bình từ 1.500-2.500 mm/năm và lượng mưa phân bố đều giữa các tháng trong năm; không có các hiện tượng cực đoan như sương giá, sương muối, nhiệt độ thấp dưới 0oC.
- Địa hình: Độ cao so với mực nước biển dưới 1.500 m; đất có độ dốc dưới 35 độ.
- Đất đai: Đất feralit đỏ vàng, vàng đỏ, xám vàng phát triển trên sa thạch, phiến thạch, đá mắc ma axit, phiến thạch mica, granit, bazan, liparit; đất còn tính chất đất rừng, sâu, ẩm, thoát nước. Độ dày tầng đất trên 50 cm; pH: 3,0 - 5,0; hàm lượng mùn trên 2%.
- Thực bì: Bao gồm trảng cỏ, cây bụi đang phục hồi, rừng thứ sinh nghèo sau khai thác, vườn hộ, vườn rừng.
2. Kỹ thuật trồng, chăm sóc
- Nguồn gốc cây ghép: Cành ghép được lấy từ những cây trội và vườn vật liệu đã được xây dựng để cung cấp cành ghép.
-  Tiêu chuẩn cây giống: Tuổi cây ghép 4 - 6 tháng; Chiều cao từ mặt bầu ≥ 40 cm, chiều dài cành ghép ≥ 20 cm. Cây sinh trưởng tốt, vết ghép liền sẹo, cây không cong queo, sâu bệnh. Cây đã được đảo bầu và giảm nước tưới trước khi trồng 15 - 30 ngày.
- Mật độ trồng: Trồng tập trung mật độ 500 cây/ha (cự ly 4x5m); trồng phân tán với các diện tích nhỏ hơn 0,5 ha.
- Xử lý thực bì: Phát thực bì toàn diện, cắt thành đoạn nhỏ rải khắp bề mặt, không đốt vật liệu hữu cơ sau phát.
- Làm đất: Nơi có điều kiện thuận lợi, độ dốc dưới 15% làm đất toàn diện bằng cách phát thực bì, cày xới toàn bộ diện tích bằng cơ giới. Nơi có độ dốc trên 15% làm đất cục bộ, đào hố kích thước 50 x 50 x 50 cm. Hố đào trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phơi ải. Lớp đất mặt để riêng để trộn với phân bón lót và lấp hố.
- Bón lót: Lượng bón cho 1 hố: 2 kg phân vi sinh + 0,5 kg phân NPK (16:16:8), trộn với lớp đất mặt cho xuống dưới hố, lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày.
- Trồng cây: Thời vụ trồng vào mùa xuân tháng 1-3; mùa mưa tháng 6-8; sau trồng 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những cây bị chết.
- Chăm sóc: Phát thực bì, cỏ dại, xới vụ gốc 4 lần/năm; bón thúc, lượng bón/cây: 1-2 kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 - 1 kg phân NPK (16:16:8). Bón 2 lần/năm; lần 1 vào tháng 1-2, lần 2 vào tháng 6-7). Đào rãnh rộng 10-15 cm; sâu 10-15 cm, xung quanh gốc đường kính 1,0 - 1,5 m; rắc đều phân sau đó lấp đất. Năm thứ 2, năm thứ 3 tiến hành chăm sóc như năm thứ nhất.
- Phòng trừ sâu bệnh: Đối với giổi ăn hạt thường hay xuất hiện bệnh đốm lá. Vết bệnh màu nâu đen, gây hại trên mặt lá, vết bệnh tập trung nhiều trên phiến lá. Bệnh gây hại vào mùa mưa ẩm, thiếu ánh sáng. Khi cây bị bệnh tiến hành cắt bỏ những cành lá bị bệnh nặng, thu gom đốt, tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Khi chớm bị bệnh bón NPK cân đối, không bón thừa đạm. Sử dụng một trong các loại thuốc Cholorothalonil hoặc Chitosan + Polyoxin hoặc Tricoderma theo hướng dẫn sử dụng.
- Tỉa cành, tạo tán: Trồng giổi ăn hạt để có năng suất cao cần phải tạo được tán thấp và rộng.         
+ Giai đoạn 1: Tiến hành trong 2-3 năm đầu, cây cao 1,5 m thì bấm ngọn, để cây ra nhiều nhánh chính, loại bỏ cành yếu và những chồi cành vượt để tạo ra cây thấp có tán rộng bề ngang.
+ Giai đoạn 2: Từ năm thứ 4 trở đi; sau thu hoạch, loại bỏ những cành tăm, cành tán thấp (mọc từ cành cấp 1 và cấp 2) tạo độ thông thoáng để hạn chế sâu bệnh. Thời gian tiến hành tỉa cành vào tháng 11-12 hàng năm./.   


Đặng Thị Mến, Lê Trần Anh Khoa - TTKN

 

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 1476

Tổng lượt truy cập: 3.560.283