Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp, lực lượng khuyến nông ngày càng được cũng cố và tăng cường về số lượng và chất lượng. Hiện nay, lực lượng khuyến nông Quảng Trị có trên 1000 người từ cấp tỉnh đến cộng tác viên khuyến nông xã, phường, thị trấn. Phần lớn lực lượng khuyến nông các cấp được đào tạo nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ khuyến nông, có kinh nghiệm thực tiển, tâm huyết với nghề, thường xuyên gắn bó với sản xuất, với nông dân. Với nhiều hoạt động thiết thực mang tính định hướng cao, hệ thống khuyến nông đã hoàn thành tốt vai trò và ngày càng lớn mạnh, trở thành nguồn nội lực không thể thiếu đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Có thể thấy hoạt động sản xuất của người dân ở đâu đạt năng suất cao, ở đó có vai trò của khuyến nông.

 

Hệ thống đã tích cực thực hiện các hoạt động chuyên ngành như xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, thông tin tuyên truyền…

 Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện 14 loại mô hình thuộc chương trình khuyến nông năm 2022 nguồn ngân sách tỉnh và chủ trì 2 dự án khuyến nông Trung ương, phối hợp 2 dự án Trung ương triển khai trên địa bàn. Các chương trình, mô hình, dự án triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, được chính quyền và người dân ghi nhận, đơn cử các mô hình ở các lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi thủy sản lâm nghiệp như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 17,5 ha, sử dụng giống lúa ST25. Mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ Hè Thu 2022, quy mô 10 ha. Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân nên sản phẩm làm ra được Công ty bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường vì vậy họ rất phấn khởi và yên tâm sản xuất;  Chương trình cải tạo đàn bò, MH Chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học sử dụng lưới chắn côn trùng đảm bảo an toàn dịch bệnh, MH chăn nuôi gà thịt bản địa; MH nuôi cá leo lồng trên hồ, đập, MH nuôi cá dìa trong ao, MH nuôi tôm sú thâm canh hai giai đoạn; MH trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai nuôi cấy mô, MH chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn, MH nông lâm kết hợp ...

Về công tác thông tin tuyên truyền: Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao TBKT cho người dân. Trang Nông nghiệp phát sóng trên Đài PT-TH Quảng Trị. Biên soạn và xuất bản 12 số Bản tin Nông nghiệp, tổ chức 03 lớp tập huấn về chuyển đổi số, chuổi giá trị, truy xuất nguồn gốc, liên kết, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ KN các cấp và tổ KNCĐ; tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu” có 200 đại biểu của 5 tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tham gia...

Song song với công tác chỉ đạo sản xuất các mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn chú trọng triển khai xây dựng dự án, đề tài KHCN. Năm 2022, Trung tâm xây dựng và chủ trì 02 dự án KNTW đó là Dự án trồng trọt “tái canh cây cà phê” 30 ha và  Dự án lâm nghiệp “xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu”; Thực hiện Đề tài “Nghiên cứu một số giống cà phê có triển vọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”; đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng thâm canh cây chuối tiêu hồng tại ĐaKrông, Quảng Trị”;  đề tài “Nuôi cá chim vây vàng trong ao lót bạt”.

Đặc biệt, Quảng Trị là một trong 13 tỉnh sớm nhất tham gia giai đoạn 1 Dự án thí điểm xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã triển khai xây dựng thí điểm 02 Tổ khuyến nông cộng đồng cụm Vĩnh Linh- Gio Linh- Cam Lộ, cụm Hải Lăng- Triệu Phong và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đề án khuyến nông cộng đồng hướng tới mục tiêu củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông theo hướng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đa dạng các hoạt động khuyến nông. Mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện 5 chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo nhóm hoạt động: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông. Hỗ trợ, tư vấn phát triển Hợp tác xã. Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị. Tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Có thể nói Tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh". Việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong các vùng nguyên liệu sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Trong 19 tiêu chí (thuộc 5 nhóm tiêu chí) của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, có một số tiêu chí liên quan trực tiếp đến vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông như tiêu chí về thu nhập, về hộ nghèo, về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, về hình thức tổ chức sản xuất.

Để góp phần giúp cho các xã phấn đấu đạt được các tiêu chí này, công tác khuyến nông cần tập trung thực hiện một số nội dung:

Một là, chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập: Tuyên truyền, vận động các địa phương tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa.

Hai là, giảm tỷ lệ hộ nghèo: Triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc, lý thuyết gắn với thực hành, giúp cho nhân dân địa phương thay đổi nhận thức trong cách làm ăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo một cách căn cơ, bền vững.

Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn: phải đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.... nhằm tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ nông sản, nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủng loại nông sản theo từng thời gian cụ thể và đảm bảo chất lượng nông sản cho các nhà thu mua, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Trong những năm tới, ngành nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Nông nghiệp muốn phát triển phải nâng cao vị thế cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy để tiếp tục xây dựng ngành nông nghiệp bền vững và chung tay xây dựng Nông thôn mới, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh Quảng Trị sẽ tích cực phát huy vai trò của mình để thực hiện có hiệu quả các mô hình dự án phát triển sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững, ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Lê Tú - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 319

Tổng lượt truy cập: 3.592.697