Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Qua gần 30 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã căn cứ mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của các Ban Ngành đoàn thể cấp tỉnh, của Lãnh đạo các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là sự quan tâm hưởng ứng của bà con nông dân cùng với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị với phương châm "vừa làm vừa học vừa tích luỹ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện", Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện được những chương trình/ mô hình/ dự án Khuyến nông, góp phần quan trọng trong việc tạo ra những chuyển biến về chất trong sản xuất thâm canh nông, lâm, ngư nghiệp.

Hiện nay, công tác khuyến nông ở tỉnh Quảng Trị liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết nhiều “nhà” trong sản xuất được tính toán chu đáo hơn, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm với định hướng sản xuất bền vững… Nghĩa là hoạt động khuyến nông gắn chặt với sự chuyển đổi của nền sản xuất nông nghiệp của địa phương; đội ngũ cán bộ khuyến nông phải nhạy bén để cập nhật các yếu tố mới trong xây dựng mô hình, từ đó mới tạo được sự lan tỏa và nhân rộng thêm. Phải thừa nhận rằng, nông dân thời đại mới rất am hiểu về công nghệ, chủ động tiếp cận thông tin, chủ động trong học hỏi. Đây là điểm thuận lợi để cán bộ khuyến nông theo đó áp dụng những mô hình/ công nghệ mới, triển khai sâu rộng, bài bản và linh hoạt để đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Không chỉ có vậy, hoạt động khuyến nông còn phải định hướng, hỗ trợ để nông dân làm chủ trên cánh đồng của mình, hiểu và hạch toán được chi phí sản xuất, doanh thu để đầu tư đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất. Cùng với đó, phải thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình khuyến nông theo từng giai đoạn, mô hình dài hơi và có tính lan tỏa hơn. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025, lĩnh vực trồng trọt có 4 chương trình với 24 mô hình (điểm) trình diễn tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước, các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn thực phẩm gắn với liên kết chuỗi giá trị; lĩnh vực chăn nuôi có 3 chương trình với 32 điểm trình diễn tập trung chủ yếu chuyển giao về phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò, chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm,.. an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; lĩnh vực thủy sản có 6 chương trình với 23 điểm trình diễn tập trung vào các đối tượng nuôi mới, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm rủi ro dịch bệnh; lĩnh vực lâm nghiệp có 3 chương trình với 21 điểm trình diễn chủ yếu chuyển giao các giống mới (giống nuôi cấy mô), ứng dụng kỹ thuật mới về lâm sinh để chuyển hóa rừng, phương thức nông lâm kết hợp, trồng cây đa mục đích,... nhằm đưa nhanh các chương trình khuyến nông bắt nhịp với xu thế mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Song song với thực hiện các chương trình/ mô hình trình diễn, Trung tâm đã quan tâm áp dụng công nghệ trong kết nối để chia sẻ thông tin tới nông dân đầy đủ nhất. Đồng thời, khắc phục sự thiếu hụt trong lực lượng khuyến nông cơ sở, Trung tâm đang xây dựng, thúc đẩy thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Mô hình này vừa khắc phục được sự thiếu hụt về lực lượng vừa tăng tính kết nối để duy trì các hoạt động chuyển giao kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông vẫn con một số hạn chế cần khắc phục đó là: Đội ngũ cán bộ khuyến nông chưa thực sự giàu về tư duy, kiến thức, kinh nghiệm. Các mô hình khuyến nông cơ bản còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình tập trung, quy mô lớn, đầu tư còn dàn trải nên khó khăn trong việc phát triển thành vùng nguyên liệu, hàng hoá, liên kết chuối giá trị bền vững. Công tác tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp, còn nặng về lý thuyết, thời lượng dành cho thực hành, tham quan thực tế, rèn luyện kỹ năng tay nghề hoặc gắn đào tạo, tập huấn với mô hình trình diễn khuyến nông, mô hình sản xuất có hiệu quả... chưa nhiều nên hiệu quả thực sự chưa cao, một bộ phần người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ hỗ trợ, thiếu đầu tư.

Thiết nghĩ, để hệ thống khuyến nông Quảng Trị đủ năng lực hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, Kết luận số 168-KL/TU ngày 14/11/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20230 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian tới, hoạt động khuyến nông cần phải tiếp tục không ngừng đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả cả về tư duy lẫn phương pháp tiếp cận, nhất thiết sản xuất nông nghiệp phải gắn chặt với cơ chế thị trường, với điều kiện hội nhập Quốc tế, với liên kết chuỗi giá trị theo quy mô lớn, dần chuyển từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng, lấy hiệu quả giá trị gia tăng làm thước đo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn về công tác khuyến nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đó là:

- Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về công tác khuyến nông, đặc biệt các mô hình hiệu quả về mặt nội dung lẫn phương thức xây dựng/ triển khai, đây là yếu tố có tác động rất lớn đối với việc nhân rộng, lan tỏa kết quả thành công của chương trình. Mặt khác, để các mô hình nhân rộng tốt, cần có chủ trương, chính sách khuyến khích và phân công trách nhiệm cụ thể cho cả "4 nhà"cần củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ, tổ Khuyến nông cộng đồng, tổ hợp tác…

- Tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống khuyến nông Quảng Trị ngày càng năng động, đủ năng lực để làm tốt vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp nông thôn.

- Đội ngũ cán bộ khuyến nông phải thường xuyên trau dồi, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm để trở thành chuyên gia giỏi nhằm tư tấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

- Chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT và liên kết dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân.

- Tập trung ứng dụng KH&CN, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.

-  Đa dạng hoá các nội dung, phương pháp, chính sách khuyến nông nhằm đáp ứng và thoả mãn nhu cầu sản xuất cho nhiều đối tượng hưởng lợi, tạo ra nhiều loại hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững./.

NGUYỄN THANH TÙNG - TTKN QT

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 315

Tổng lượt truy cập: 3.592.693