Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 15 tháng 8 năm 2024, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tổ chức thả khoảng 5.000 con cá Nâu giống (kích thước 2-3 cm/con) tại Tiểu Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2 (Bến Tranh) thuộc Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, nhằm tái tạo và đa dạng nguồn lợi thủy sản.

Số cá Nâu giống được thả lần này tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là sản phẩm của công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá Nâu thuộc dự án cấp nhà nước “Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá Nâu (Scatophagus argus”. Mã số: NVQG-2023/DA.01, do PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm Chủ nhiệm dự án và Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là đơn vị Chủ trì.

(Cá Nâu giống trong bao đóng oxy, chuẩn bị được thả ra môi trường tự nhiên - Ảnh: Võ Điều)

Buổi thả cá có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hoà, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy Chủ nhiệm dự án, các thành viên dự án và cán bộ Ban Quản lý. Phát biểu sau buổi thả cá, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý cám ơn Trường Đại học Nông Lâm, cám ơn PGS.TS Nguyễn Văn Huy Chủ nhiệm dự án đã hỗ trợ Ban Quản lý thả 5.000 con cá Nâu giống nhằm tái tạo và đa dạng nguồn lợi thủy sản tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, đồng thời thay mặt lãnh đạo Ban Quản lý mong muốn Trường Đại học Nông Lâm có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công các đối tượng như Hàu răng cưa khổng lồ (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758); cua đá Cồn Cỏ; hải sâm; bảo quản và chế biến các loại rong nho...góp phần đa dạng hóa nguồn sinh kế cho người dân sống trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Tin: Đặng Thị Thanh Thảo, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

Ảnh: Nguyễn Văn Hòa, Võ Điều

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 800

Tổng lượt truy cập: 3.588.393