Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Một số hành vi về khai thác thủy sản trước đây chỉ bị xử phạt hành chính, từ ngày 01/8 sẽ bị xử lý hình sự. Điều này nhằm tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ bằng được cảnh báo thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ, Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 và Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ), các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Công văn số 2555/UBND-KT ngày 03/6/2024 của UBND tỉnh về tập trung phát hiện, điều tra và xác minh để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá. Kết quả, trong 06 tháng đầu năm 2024 đã  tổ chức 15 chuyến tuần tra (13 chuyến biển; 02 chuyến nội đồng), kiểm tra 75 lượt tàu thuyền, xử phạt 25 vụ vi phạm với số tiền 158,4 triệu đồng (trong đó: Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT xử phạt 22 trường hợp, các Đồn Biên phòng xử phạt 03 truwongf hợp), đặc biệt trong thời gian gần đây Sở Nông nghiệp và PTNT  đã xử lý 02 tàu cá vi phạm về sử dụng thiết bị giám sát hành trình, cụ thể tàu mất kết nối trên 06 giờ trên biển không thực hiện báo cáo vị trí về bờ đầy đủ theo quy định, mỗi tàu cá bị phạt 20 triệu đồng.
Trong các lần thanh tra, EC đều khẳng định điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ được thẻ vàng thủy sản là chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, từ ngày 01/8 sẽ xét xử nghiêm các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Theo đó, Nghị quyết 04 của Tòa án nhân dân tối cao vừa hướng dẫn gồm 11 điều áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ việc khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển nước ngoài.
Các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua bán thủy sản.
Đáng chú ý, ngư dân khi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép; làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả, con dấu của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị khởi tố.
“Đối tượng đưa ra xét xử là những người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép và những người tái phạm nhiều lần, không xử người đi làm thuê. Người nước ngoài khi có hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam sẽ bị truy trách nhiệm hình sự”.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai Kế hoạch số 2161/KH-SNN ngày 01/7/2024 về việc Triển khai “đợt cao điểm về công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp” năm 2024 để tập trung xử lý các tàu cá hoạt động khai thác thủy sản vi phạm khai thác IUU.

                                                                                     Lê Đức Thắng, Chi cục Thủy sản
 

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1448

Tổng lượt truy cập: 3.560.255