Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

1.    Xu hướng sử dụng cây thảo dược trong chăn nuôi
Trong bối cảnh chăn nuôi hiện đại ngày càng đối diện với nhiều thách thức như thiên tai, dịch bệnh, sự phụ thuộc vào kháng sinh và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xu hướng sử dụng cây thảo dược trong chăn nuôi đang dần trở thành một giải pháp tiềm năng. Các loại thảo dược không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của gia súc, gia cầm, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.

 

      Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây thảo dược có tiềm năng lớn trong việc thay thế các chất phụ gia tổng hợp và kháng sinh trong chăn nuôi. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc lạm dụng thuốc kháng sinh – nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở vật nuôi và cả con người. Thảo dược có thể được sử dụng trong nhiều hình thức khác nhau như bổ sung vào thức ăn, làm thuốc uống hoặc sử dụng trong việc tắm rửa, vệ sinh cho gia súc, gia cầm. 
2.    Lợi ích của việc sử dụng thảo dược trong chăn nuôi
      Tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho vật nuôi: Nhiều loại thảo dược như tỏi, sả, lá lốt, và húng quế có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và cải thiện hệ tiêu hóa. Khi được bổ sung vào khẩu phần ăn, chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch của vật nuôi, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và cải thiện khả năng sinh sản.
     Giảm sự phụ thuộc vào kháng sinh: Trong chăn nuôi truyền thống, kháng sinh được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa và điều trị bệnh, nhưng điều này đã gây ra tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng. Sử dụng thảo dược như một giải pháp thay thế tự nhiên giúp giảm thiểu rủi ro này, đảm bảo vật nuôi phát triển khỏe mạnh mà không cần đến các loại thuốc hóa học.
       Thúc đẩy phát triển bền vững: Việc sử dụng thảo dược trong chăn nuôi giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là trong việc xử lý chất thải. Một số loại cây thảo dược như cỏ mần trầu, chè khổng lồ còn giúp cải tạo đất và giảm xói mòn đất, đồng thời làm giàu hệ sinh thái địa phương.
Nâng cao chất lượng sản phẩm: Thịt, trứng và sữa từ vật nuôi được nuôi dưỡng bằng thảo dược có chất lượng cao hơn, ít tồn dư hóa chất và kháng sinh, từ đó đem đến sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
3.    Một số loại cây thảo dược phổ biến và cách sử dụng
     Việc nhận biết và sử dụng thảo dược trong chăn nuôi không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về công dụng của từng loại cây mà còn cần áp dụng đúng cách để đảm bảo vật nuôi hấp thụ hiệu quả nhất. Mỗi loại thảo dược có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như: trộn vào thức ăn, nước uống hoặc sử dụng trong việc chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Dưới đây là các các loại cây thảo dược phổ biến và cách sử dụng:
Cây lá lốt
     Lá lốt có tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp gia cầm tiêu hóa tốt hơn và phòng ngừa bệnh hô hấp. Lá lốt có thể được xay nhuyễn và trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm. Đối với gà, có thể phơi khô lá lốt và trộn chung với cám hoặc ngũ cốc. Trộn từ 50-100g lá lốt/ngày vào thức ăn cho mỗi 10 con gà để phòng chống các bệnh về tiêu hóa và đường hô hấp.
Cây cỏ mần trầu
Loại cây này thường được dùng trong chăn nuôi dê và bò. Nó giúp cải thiện tiêu hóa và bổ sung dinh dưỡng, đồng thời có tác dụng làm mát và giải độc cho cơ thể. Lá và thân cây có thể được cắt nhỏ, trộn vào khẩu phần ăn chính với khẩu phần chiếm từ 20-30% tổng lượng thức ăn xanh hàng ngày hoặc ủ chua làm thức ăn dự trữ để sử dụng trong mùa mưa. 
Cây sả
Sả có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, được dùng để tăng cường hệ tiêu hóa và phòng chống ký sinh trùng. Đồng thời, nó giúp kiểm soát mùi hôi chuồng trại. Lá sả tươi có thể được cắt nhỏ và trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống cho gia súc, gia cầm. Đối với gia cầm như gà và vịt, trộn 50-100g sả tươi/ngày vào khẩu phần ăn giúp phòng bệnh đường ruột và hô hấp. Ngoài ra, tinh dầu sả cũng có thể được sử dụng để phun trong chuồng trại nhằm diệt khuẩn và đuổi côn trùng.
Cây tỏi
Tỏi là một loại thảo dược tự nhiên có khả năng chống khuẩn, ký sinh trùng và virus. Khi bổ sung tỏi vào thức ăn của gà, vịt hoặc lợn, tỏi giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn. Tỏi có thể được băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, sau đó trộn vào thức ăn cho gà, lợn, và bò. Một số trang trại còn nghiền tỏi thành bột rồi pha với nước uống cho gia súc và gia cầm. Tỏi nên được sử dụng với tỷ lệ khoảng 1-2% so với tổng lượng thức ăn hàng ngày. Đối với gia cầm như gà, mỗi tuần có thể sử dụng từ 5-10g tỏi tươi/10 con để phòng bệnh.
Cây húng quế
Lá húng quế không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa và kháng khuẩn có tác dụng kích thích tiêu hóa, phòng bệnh nhiễm trùng và tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.Húng quế có thể sử dụng tươi hoặc phơi khô. Lá và thân cây húng quế thường được xay nhỏ để trộn vào thức ăn cho lợn hoặc gia cầm. Đối với gia súc, có thể nấu nước lá húng quế để pha vào nước uống. Trộn khoảng 30-50g lá húng quế tươi hoặc 10-20g lá khô/ngày vào thức ăn cho mỗi 10 con lợn hoặc gà.
Cây đinh lăng
Lá và rễ cây đinh lăng có tác dụng tăng cường sức khỏe, giúp gia súc, gia cầm dễ tiêu hóa và nâng cao khả năng kháng bệnh. Lá đinh lăng có thể được phơi khô và nghiền nhỏ để trộn vào thức ăn cho lợn, gà, hoặc gia súc lớn. Đối với các trang trại quy mô nhỏ, có thể sử dụng lá tươi cho vật nuôi ăn trực tiếp hoặc nấu nước đinh lăng cho uống. Sử dụng khoảng 50-100g lá đinh lăng khô hoặc 200-300g lá tươi/ngày cho mỗi con trâu, bò. Đối với gà, lợn sử dụng khoảng 50-100g lá tươi/ngày cho đàn 10 con.
Cây ngải cứu
Ngải cứu có tác dụng kháng viêm, trị giun sán và kích thích tiêu hóa. Loại cây này có thể được trộn vào thức ăn cho lợn và gà để giúp tăng sức đề kháng và phòng bệnh Lá ngải cứu có thể được phơi khô hoặc sử dụng tươi, xay nhuyễn rồi trộn vào thức ăn hoặc nước uống. Ngoài ra, nước lá ngải cứu cũng có thể được sử dụng để tắm cho gia súc nhằm phòng ngừa ký sinh trùng ngoài da. Sử dụng khoảng 50-100g/ngày/con trâu, bò, đối với gia cầm, lợn có thể cho ăn từ 30-50g/ngày cho đàn 10 con. 
4. Lưu ý khi sử dụng thảo dược trong chăn nuôi
Sử dụng đúng liều lượng: Dù thảo dược có nguồn gốc tự nhiên nhưng cần sử dụng đúng liều lượng để tránh gây tác dụng phụ cho vật nuôi. Nếu sử dụng quá mức, một số loại thảo dược có thể gây kích ứng hoặc rối loạn tiêu hóa.
Kiểm soát chất lượng: Đảm bảo nguồn thảo dược sạch, không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu hoặc hóa chất khác. Nếu có điều kiện, tự trồng thảo dược tại trang trại sẽ giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Kết hợp hợp lý: Không nên chỉ dựa vào thảo dược, cần kết hợp với các loại thức ăn chính khác để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi. Thảo dược chủ yếu được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn thức ăn chính.


Quang Hưng - TTKN

 

Đang truy cập: 21

Hôm nay: 1558

Tổng lượt truy cập: 3.555.233