Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão hàng năm. Với tần suất các cơn bão lớn và lũ quét tăng cao trong những năm gần đây, việc bảo vệ đàn vật nuôi khỏi những thiệt hại là ưu tiên hàng đầu đối với các hộ chăn nuôi. Để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ nguồn sinh kế của gia đình, bà con cần áp dụng đồng bộ các biện pháp để phù hợp với thực tế tại tỉnh Quảng Trị như sau:
 

1. Xây dựng, gia cố chuồng trại
      Một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão là xây dựng và gia cố chuồng trại. Người dân cần ưu tiên xây dựng chuồng trại ở những nơi cao ráo, thoáng mát, tránh các khu vực trũng thấp dễ ngập úng. Các hộ chăn nuôi cần kiểm tra lại toàn bộ chuồng trại trước khi mùa mưa bão đến để đảm bảo chúng đủ vững chắc. Việc gia cố mái, tường và cửa chuồng để chống chịu với gió bão là cần thiết bằng cách thay thế các vật liệu như gỗ, tre, nứa bằng các vật liệu chắc chắn hơn như bê tông, gạch để đảm bảo độ bền. Nền chuồng cần được lát bằng gạch hoặc bê tông và có hệ thống thoát nước tốt để ngăn ngừa ngập úng. Cần chuẩn bị sẵn các vật liệu che chắn như bạt, nilon để phủ lên chuồng trại, tránh mưa gió tác động trực tiếp đến vật nuôi.
2. Dự trữ thức ăn và nước uống
      Trong mùa mưa bão, việc cung cấp đủ thức ăn và nước uống cho đàn vật nuôi có thể gặp nhiều khó khăn do giao thông bị gián đoạn hoặc thiếu nguồn cung cấp từ bên ngoài. Do đó, các hộ chăn nuôi cần chủ động dự trữ thức ăn và nước uống dự phòng. Người dân cần tích trữ cỏ khô, rơm rạ, thức ăn công nghiệp, hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi, nguồn thức ăn chuẩn bị phải đủ sử dụng cho ít nhất 1-2 tuần và được bảo quản trong điều kiện khô ráo, thoáng mát, tránh ấm mốc. Một số cách chế biến thức ăn để dự trữ có thể kể đến như: Ủ chua thức ăn xanh (cỏ voi, cây ngô sinh khối), Ủ rơm với urê,…
      Đối với nước uống, cần chuẩn bị các thùng chứa nước sạch và đặt chúng ở nơi an toàn để tránh bị nhiễm bẩn do nước lũ. Các bể chứa nước mưa nên được làm sạch và khử trùng thường xuyên để đảm bảo nguồn nước uống cho đàn vật nuôi luôn sạch sẽ.
3. Tiêm phòng và tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi
      Mùa mưa bão là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi do điều kiện thời tiết ẩm ướt và môi trường dễ bị ô nhiễm. Do đó, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi là vô cùng cần thiết. Các bệnh thường gặp trong mùa mưa bão như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, cúm gia cầm, tiêu chảy,… cần được tiêm phòng sớm để phòng tránh nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, cần bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, cần chú ý quan sát và kiểm tra sức khỏe vật nuôi thường xuyên, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Xây dựng kế hoạch di dời và sơ tán trong trường hợp khẩn cấp
      Quảng Trị là địa phương thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bão lớn và lũ lụt, vì vậy, người dân cần xây dựng các kế hoạch di dời và sơ tán đàn vật nuôi một cách khoa học và chủ động trong những tình huống khẩn cấp. Cần chuẩn bị sẵn các phương tiện vận chuyển như xe kéo, thuyền bè để di chuyển vật nuôi đến các khu vực an toàn như chuồng trại tạm, khu tránh lũ. Người dân cần xác định trước các khu vực an toàn để sơ tán vật nuôi khi có bão lũ xảy ra, như các khu đất cao, xa khu vực sông suối, hoặc các chuồng trại tạm do chính quyền địa phương bố trí. Đồng thời, các hộ chăn nuôi nên hợp tác với nhau để cùng nhau hỗ trợ trong quá trình sơ tán, tránh tình trạng tự di dời một cách riêng lẻ, thiếu an toàn.
5. Tăng cường thông tin liên lạc và cập nhật dự báo thời tiết
      Để chủ động ứng phó với mưa bão, việc cập nhật thông tin về thời tiết là yếu tố then chốt. Người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết qua đài phát thanh, truyền hình, hoặc các ứng dụng điện thoại thông minh. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc thông tin kịp thời và chính xác đến người dân, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Cần có các hệ thống cảnh báo sớm tại các xã, thôn để thông báo cho người dân biết về các cơn bão hoặc lũ lụt sắp đến, giúp họ có đủ thời gian để chuẩn bị và thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
6. Vệ sinh chuồng trại sau bão lũ
      Sau khi bão lũ qua đi, việc vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh là bước quan trọng để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Người dân cần tiến hành dọn dẹp, thu gom rác thải, phân gia súc và xử lý đúng quy định. Các chuồng trại cần được khử trùng, sát khuẩn để loại bỏ mầm bệnh. Cần xử lý nước đọng, làm sạch và cải tạo các ao, hồ, giếng nước để ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch cho đàn vật nuôi và gia đình. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi mà còn phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cho con người.
7. Tăng cường hợp tác và hỗ trợ từ cộng đồng và chính quyền
      Người dân trong các khu vực chăn nuôi cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ đàn vật nuôi trước, trong và sau khi xảy ra mưa bão. Các hộ gia đình có thể hợp tác để mua chung thức ăn, thuốc men, hỗ trợ nhau di dời và chăm sóc đàn vật nuôi khi cần thiết.
      Chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan cần có kế hoạch hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, tài chính, và cung cấp các vật tư cần thiết cho người dân trong trường hợp khẩn cấp. Các chương trình tập huấn về phòng chống thiên tai, bảo vệ vật nuôi cũng cần được tổ chức thường xuyên để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người chăn nuôi.


Quang Hưng - TTKN

Đang truy cập: 21

Hôm nay: 1645

Tổng lượt truy cập: 3.555.320