Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Giao đất, giao rừng là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội ở địa bàn nông thôn, miền núi đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng cộng đồng, hộ gia đình cá nhân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chính sách giao đất giao rừng đã trở thành đòn bẩy để phát triển kinh tế Lâm nghiệp, kinh tế hộ gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, đồng thời nó cũng thể hiện sự chuyển đổi to lớn từ sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang sản xuất lâm nghiệp xã hội có sự tham gia của cộng đồng.

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành về giao đất, giao rừng. Năm 2005, Chi cục Kiểm lâm đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao đất, giao rừng tự nhiên thí điểm tại 02 huyện Đakrông, Hướng Hoá cho giai đoạn 2005-2007. Trên cơ sở kết quả đạt được từ Đề án giao rừng tự nhiên thí điểm, đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị xây dưng Đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008 -2015 được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 2352/QĐ-UBND ngày 16/11/2009.

Để tổ chức thực hiện tốt Đề án, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn và vận động bà con nhân dân miền núi nhận đất, nhận rừng tự nhiên để bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy định pháp luật. Tiến trình và kết quả thực hiện giao đất giao rừng tại địa phương đã được đơn vị tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá theo định kỳ 5 năm/1lần. Hiện nay, đã qua 3 lần hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và bước đầu có những đánh giá nhất định về các mặt thuận lợi, khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng tự nhiên sau khi giao.

Kết quả sau gần 20 năm giao đất, giao rừng

Xác định vai trò của người nhận rừng là yếu tố then chốt quyết định thành công của hoạt động giao rừng và quản lý rừng sau khi giao, Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách trong giao rừng, đồng thời cùng với người dân thảo luận, đo đạc, đánh giá trữ lượng, đóng mốc..để đảm bảo rằng việc giao rừng đúng kỹ thuật, nhận rừng trên nguyên tắc tự nguyện, không áp đặt. Từ năm 2005 đến 2023 đã giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình là: 19.227,3 ha. Trong đó: Giao cho cộng đồng: 13.613,3 ha/112 cộng đồng; Hộ gia đình: 5.614,0 ha/ 868 hộ.

Sau khi nhận rừng, các cộng đồng đã thành lập 87 Ban quản lý rừng cộng đồng với 522 thành viên, 194 tổ, nhóm tuần tra BVR; nhóm tuần tra BVR thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban quản lý rừng cộng đồng, trung bình tuần tra rừng 1-2 lần /tháng và đã thu được một số kết quả. Dẫn chứng như: năm 2007 tổ tuần tra BVR của cộng đồng thôn Ăng Công xã ANgo tuần tra, phát hiện truy đuổi các đối tượng khai thác dầu de ra khỏi rừng và thu giữ được 40Kg gạo, 04 cái rìu, 02 tấm bạt dựng lều trại. Năm 2009, tại Hướng Hoá hộ gia đình ông Hồ Mơ ở thôn Prin C xã A Dơi đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng vào rừng để tìm gỗ Trắc khai thác và đã đuổi một số người dân ở các thôn khác vào làm nương rẫy trong phạm vi diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình và báo cáo kịp thời với UBND xã, Kiểm lâm địa bàn để xử lý. Năm 2010, tại khu vực rừng giao cho cộng đồng thôn Khe Hiên xã Hướng Hiệp, trong lúc đi tuần tra rừng tổ BVR đã phát hiện một số đối tượng khai thác gỗ trái phép đã phối hợp với thôn, KLĐB, DQTV...tổ chức ngăn chặn kịp thời và giao lại cho Hạt Kiểm lâm xử phạt theo quy định của pháp luật. Cuối năm 2015 tại xã Cam Nghĩa các hộ gia đình đã phát hiện và báo cáo cho Kiểm lâm bắt giữ và chuyển hồ sơ cho Công an điều tra, khởi tố 2 vụ án/ 3 bị can về hành vi lấn chiếm rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình. Hạt Kiểm lâm Cam Lộ đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an huyện ra Quyết định khởi tố bị can đối với 5 đối tượng tại xã Cam Chính… Ngoài việc tuần tra, bảo vệ các hoạt động như: Xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, lập kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, tuyên truyền cũng được các cộng đồng thường xuyên quan tâm, thực hiện.

Đánh giá hoạt động giao rừng tự nhiên tại Quảng Trị, cho thấy người dân đồng tình với các chủ trương chính sách về giao rừng, có nguyện vọng nhận rừng để phát triển kinh tế hộ, tham gia tích cực vào hoạt động giao rừng. Có thể nói rằng mọi người dân trong cộng đồng đều phấn khởi khi được giao rừng quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Do đã xác lập được quan hệ bên giao là Nhà nước và bên nhận là người dân, rừng có chủ thực sự, mỗi người dân thực hiện nghĩa vụ của họ trong suốt thời gian giao rừng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cũng như quyền hưởng lợi của họ trong cộng đồng. Từ đó, nhận thức của các thành viên trong cộng đồng được chuyển biến rất nhanh chóng, có những thành viên trước đây từng là người thường xuyên tác động tiêu cực vào rừng như chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, săn bẫy mua bán động vật rừng nay trở thành người bảo vệ rừng có hiệu quả.

Những bất cập trong giao rừng

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng phần lớn là diện tích rừng nghèo, xa khu dân cư, địa hình hiểm trở. Rừng giao chưa gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu như kinh phí để phục hồi rừng, gây trồng LSNG dưới tán rừng, hỗ trợ kỹ thuật (xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, luổng phát...) nên chưa phát huy hiệu quả kinh tế.

Các hộ gia đình, cá nhân nhận rừng tự nhiên sản xuất theo quy định hiện hành muốn khai thác gỗ thì rừng phải đạt trữ lượng trung bình hoặc giàu và không trong thời gian đóng cửa rừng, có đề nghị và được UBND cấp huyện chấp thuận. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản của Nhà nước quy định khối lượng gỗ khai thác lấy ra là bao nhiêu mét khối gỗ/ha.

Các hộ gia đình, cá nhân nhận rừng tự nhiên phòng hộ theo quy định hiện hành chỉ được hưởng lợi từ cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định; Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ; được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng. Như vậy, người được giao rừng phòng hộ không được hưởng lợi từ lượng gỗ tăng thêm sau quá trình bảo vệ, chăm sóc rừng.

Diện tích rừng tự nhiên chưa giao, chưa cho thuê, hiện do UBND xã đang tạm thời quản lý còn nhiều (21.800 ha), nhưng phân bố lại không đồng đều ở các xã, có xã nhiều, xã ít, rừng tốt, rừng xấu, đồng thời trong cùng một xã diện tích rừng lại không liền vùng, phân tán, trạng thái chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, xa nơi ở của dân do đó gặp khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện kế hoạch giao rừng.

Giá rừng chưa được xác định cụ thể, nên rất khó để đánh giá về giá trị dịch vụ môi trường mà rừng mang lại; Chưa có các phương pháp điều tra đánh giá đầy đủ và phù hợp với năng lực của cộng đồng để tổ chức quản lý, khai thác sử dụng lâm sản ngoài gỗ. Với các chính sách hưởng lợi trong GĐGR hiện hành, người nhận rừng được hưởng toàn bộ lâm sản ngoài gỗ, điều này phù hợp với thực tế và bảo đảm cho người dân có được các nguồn thu từ lâm sản ngoài gỗ cho đời sống, sản xuất, chữa bệnh và tạo ra một phần thu nhập. Tuy vậy, trong hiện tại cũng như trong tương lai, lâm sản ngoài gỗ là một tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; do đó cũng cần có những giải pháp quản lý, phát triển bền vững dựa vào kiến thức bản địa và truyền thống của cộng đồng.

Thiếu kinh phí để thực hiện việc giao rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất dẫn đến không thực hiện được kế hoạch giao rừng, nhiều diện tích rừng đã giao theo Luật Bảo vệ và PTR nhưng chưa được cấp kinh phí để thực hiện giao đất.

Luật bảo vệ và PTR năm 2024 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều có quy định hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng được Nhà nước giao rừng phòng hộ thì được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng, nhưng từ năm 2005 đến nay đã giao gần 7.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ nhưng không được bố trí kinh phí để bảo vệ rừng, trong khi đó việc hưởng lợi từ rừng phòng hộ rất hạn chế.

Bài học kinh nghiệm trong giao rừng

Kinh nghiệm trong xác định cơ chế hưởng lợi: Hưởng lợi từ rừng tự nhiên sau khi giao là một vấn đề người dân hết sức quan tâm nhằm thúc đẩy, kích thích sự tham gia quản lý rừng của người nhận rừng. Theo kết quả tham vấn, tổng hợp hưởng lợi của người dân bao gồm có gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại như giữ nước, điều hoà khí hậu.

Trên thực tế tại các cộng đồng nhận rừng chỉ quan tâm đến lợi ích (hưởng lợi) từ gỗ sau khi khai thác, trong khi đó lâm sản ngoài gỗ đóng vai trò to lớn trong cuộc sống của cộng đồng, LSNG cung cấp thức ăn, dược liệu, chất đốt nhưng cộng đồng lại không quan tâm đến lợi ích, và cho dù có giao rừng hay không thì họ vẫn đang sử dụng chúng theo truyền thống. Vì vậy cần phải xây dựng cơ chế quản lý LSNG, quy trình khai thác bền vững, xác định khối lượng, loài được phép khai thác nhằm tránh tình trạng khai thác các loài LSNG quý hiếm mà theo pháp luật cần được bảo vệ. Người nhận rừng phần lớn là người nghèo, kinh tế khó khăn cần có thu nhập trước măt. Nhưng theo quy định tại Điều 58 Luật Lâm nghiệp “các hộ gia đình, cá nhân nhận rừng tự nhiên sản xuất theo quy định hiện hành muốn khai thác gỗ thì rừng phải đạt trữ lượng trung bình hoặc giàu và không trong thời gian đóng cửa rừng...”. Như vậy, thời gian để chờ được hưởng lợi rất dài, không thu hút được người dân nhận rừng ở những khu vực rừng nghèo. Vì vậy, cần thúc đẩy các loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng để giải quyết vấn đề thu nhập của kinh tế hộ từ nghề rừng. Với cách làm như vậy sẽ thu hút được người dân tham gia nhận rừng.

Kinh nghiệm trong quản lý và giải pháp kỹ thuật: Áp dụng mô hình rừng ổn định của tác giả Bảo Huy để điều chỉnh mật độ, cấu trúc rừng, giải pháp này cho phép cộng đồng khai thác chọn ở bất kỳ thời điểm nào nếu có số cây dư ra so với mô hình rừng ổn định. Đây là kỹ thuật chặt chọn cường độ nhỏ, luân kỳ ngắn để tạo ra thu nhập ngay cho người nhận rừng mà rừng vẫn có thể duy trì ổn định để phát triển, khuyến khích và giúp người nhận rừng sống được bằng việc sản xuất lâm nghiệp trên diện tích rừng được giao. Mô hình rừng ổn định cũng là công cụ để các cơ quan lâm nghiệp giám sát tình hình quản lý rừng đã giao, định hướng giải pháp lâm sinh và hỗ trợ kỹ thuật nhằm đưa rừng về trạng thái ổn định lâu dài và có được lợi ích. Ngoài việc xác định số cây cho phép khai thác chọn, loài cây cần được nuôi dưỡng hợp lý nhằm bảo đảm tổ thành rừng luôn ổn định, chất lượng rừng được cải thiện, vì vậy cần thực hiện các bước điều tra rừng và bài cây đứng để xác định loài cây nào cần được nuôi dưỡng và loài cây nào có thể khai thác sử dụng cũng như bảo đảm rằng các loài cây thuộc các nhóm quý hiếm được bảo vệ theo quy định của nhà nước.

Qua gầm 20 năm (2005-2023) thực hiện công tác giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thu được những kết quả đáng khích lệ, có 19.227,3 ha rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình, góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa. Chính sách giao rừng đã đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương, người dân đồng thuận cao tạo ra phong trào lan tỏa, ngày càng có nhiều người dân tự nguyện đăng ký nhận rừng để bảo vệ, tình trạng khai thác trái phép và phá rừng làm nương rẫy ngày càng giảm. Vì vậy, công tác giao rừng cần phải được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới và đây cũng là chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc khẩn trương thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội nêu tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 “hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2026, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch vào phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự”.

                                                                                                                                              Lê Hữu Tùng

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 1009

Tổng lượt truy cập: 3.589.683