Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Năm 2024 là năm của những mốc son lịch sử đất nước, kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bản thân tôi đã có thời gian tham gia quân ngũ, sau đó chuyển ngành sang Ty nông lâm khu vực Vĩnh Linh (Công tác lâm nghiệp) Giám đốc Lâm trường trồng rừng khu vực Vĩnh Linh (từ năm 1969 đến 1972), Trưởng phòng Lâm nghiệp kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Triệu Hải (từ năm 1984 đến 7/1989); hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị (10/6/1974-10/6/2024), Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu của Kiểm lâm Quảng Trị khi tái lập lại tỉnh nhà.

Tháng 7 năm 1989 tỉnh Quảng Trị được tái lập lại, trên cơ sở chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên, theo đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị được thành lập và trực thuộc Sở Lâm nghiệp theo Quyết định số 60/QĐ-UB ngày 22/7/1989 của UBND tỉnh Quảng Trị. Lúc đó bản thân tôi đang là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Triệu Hải, được Lãnh đạo Sở Lâm nghiệp tín nhiệm đề nghị UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Khi mới thành lập bộ máy ban đầu Chi cục Kiểm lâm chỉ có 03 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng Tổng hợp, Phòng pháp chế, Phòng Quản lý bảo vệ rừng) và 5 đơn vị trực thuộc gồm: Đội Kiểm soát lâm sản lưu động, 04 Hạt Kiểm lâm (Triệu Hải, Bến Hải, Đông Hà, Hướng Hóa) với 72 cán bộ nhân viên, trong đó cán bộ, nhân viên được điều chuyển từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Trị Thiên về là 08 người. Đến năm 1990 các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ được tái lập thì các Hạt Kiểm lâm các huyện cũng được thành lập; Hạt Kiểm lâm Đông Hà giải thể, giao Đội Kiểm soát lâm sản lưu động phụ trách địa bàn Đông Hà. Đến năm 1997 huyện Đakrông được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Hướng Hóa thì Hạt Kiểm lâm Đakrông cũng được thành lập. Giai đoạn này Chi cục Kiểm lâm có 7 Hạt Kiểm lâm, 03 Phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 Đội Kiểm soát lâm sản lưu động.

Những ngày đầu mới thành lập, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. (1)Về lực lượng: thiếu cán bộ, nhân viên; cán bộ có trình độ Đại học, trung cấp chiếm khoảng 1/3, còn lại 2/3 là anh em bộ đội chuyển ngành có đạo đức, sức khỏe tốt nhưng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (2)Về cơ sở vật chất: bước đầu từ 02 bàn tay trắng, trụ sở cơ quan Văn phòng Chi cục phải mượn tạm trụ sở Hạt Kiểm lâm Đông Hà tầng 2 gồm 04 phòng và 01 Hội trường để có chỗ làm việc, về sau để phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nên lấy lại trụ sở của Hạt Kiểm lâm Đông Hà làm trụ sở làm việc của Văn phòng Chi cục; phương tiện không có để hoạt động như: Ô tô, xe máy...các Hạt Kiểm lâm các huyện được thành lập mới cũng không có nhà cửa phải mượn tạm nhà dân để sinh hoạt và công tác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự quan tâm của Tỉnh, Bộ Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm cấp cho Chi cục 01 xe Uoát cũ; cho xây dựng trụ sở 03 Hạt Kiểm lâm Gio Linh, Hải Lăng và Cam Lộ, sau đó tỉnh cho xây dựng tiếp trụ sở 03 Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh, Triệu Phong, Đakrông và 06 Trạm Kiểm lâm Bến Quan, Cầu Treo, La Lay, Ba Lòng, Mỹ Chánh, Sông Nhùng và cho mua 01 ô tô con hiệu Ni San, các loại xe máy phân phối lớn trang bị cho Đội Kiểm soát lâm sản lưu động và các Hạt Kiểm lâm để phục vụ công tác (3)Về thực hiện nhiệm vụ: Lực lượng Kiểm lâm thời kỳ này thực hiện nhiệm vụ theo Nghị Định 368-CP ngày 08/10/1979 của Chính phủ, thời kỳ này Kiểm lâm vừa là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, vừa tham mưu giúp cấp uỷ chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đối núi trọc. Là một tỉnh nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau chiến tranh, nhiệm vụ quản lý diện tích rừng tự nhiên còn lại và phát triển vốn rừng để cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ của rừng đặt ra bức bách với tỉnh Quảng Trị nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng; trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao Chi cục kiểm lâm Quảng Trị đã chủ động phối hợp đoàn chuyên gia Đức, Bộ Lâm nghiệp khảo sát hiện trường, xây dựng hoàn thành Dự án Trồng rừng phòng hộ Hồ Trúc Kinh, đồng thời cùng với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan tham gia ký kết hợp tác vay vốn Ngân hàng Châu Á (ADB) tại thủ đô Manila Philipin để thực hiện dự án; triển khai thực hiện Dự án trồng rừng Việt Đức tại 4 huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ). Giai đoạn này, các tỉnh Tây nguyên và Trung Trung Bộ khai thác và xuất khẩu gỗ bằng ván qua Thái Lan tập trung đi qua tuyến Quốc lộ 9 quá cảnh qua Lào với một khối lượng rất lớn, đồng thời tình hình khai thác gỗ lậu, vận chuyển trái phép lâm sản diễn ra trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp một trong những nguyên nhân đó là: sau những ngày giải phóng nhà cửa của người dân còn tạm bợ, đa số là nhà tranh, vách nứa; để chống chọi với tình hình thời tiết của miền trung, theo tập quán là sử dụng gỗ để làm nhà, đồng thời sau nhiều năm kinh tế phát triển người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa kiên cố để sinh hoạt... Từ tình hình trên, với trăn trở để thực hiện tốt nhiệm vu được giao, tôi cùng với các đồng chí trong lãnh đạo Chi cục, Cấp ủy chi bộ thảo luận đề ra chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình của đơn vị và công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, được sự đồng ý của UBND tỉnh cho Chi cục tuyển chọn cán bộ có trình độ Đại học từ các Trường Đại học Nông lâm Huế, Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên và các Trường khác để bổ sung nguồn cán bộ có trình độ cho các Hạt Kiểm lâm và Văn phòng Chi cục, đồng thời tạo điều kiện cho anh, em bộ đội chuyển ngành có trình độ văn hóa lớp 10, 12 có sức khỏe, đạo đức tốt cho đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hệ tại chức tại Trường Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Luật do Tỉnh tổ chức và Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây nguyên. Nhờ vậy qua thời gian gần 10 năm (từ năm 1989 đến năm 1998) có khoảng trên 80% cán bộ, nhân viên có trình độ Trung, Đại học.

Với buổi ban đầu mới thành lập gặp muôn vàn khó khăn nhưng cán bộ, công chức Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị trên dưới một lòng đoàn kết, tinh thần đồng chí đồng đội cao, làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ, yêu thương chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ, giúp nhau cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Tỉnh và Sở giao hàng năm; công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản lập biên bản vi phạm Lâm luật hàng nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hàng tỷ đồng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng lúc đầu diễn ra các vụ cháy rừng thuộc Lâm trường Đường 9, Lâm trường Triệu Hải nhưng qua các năm ngày càng giảm; công tác phòng trừ sâu bệnh hại nhất là sâu róm thông phát triển ở một số vùng nhưng được sự chỉ đạo của Chi cục cho các chủ rừng triển khai kịp thời các biện pháp diệt, bắt và phun thuốc từ đó đã hạn chế hẳn.

Quá trình thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, Sở lâm nghiệp trước đây (nay là Sở NN&PTNT) Chi cục Kiểm lâm đã triển khai lực lượng quản lý bảo vệ rừng, hàng năm tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; thành lập hàng trăm tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR; ở các huyện, thị đều có Ban chỉ đạo bảo vệ rừng và PCCCR, có các chòi canh xây dựng kiên cố để trực gác lửa rừng. Nhờ vậy tình hình cháy rừng, sâu bệnh hại rừng và tình hình vi phạm lâm luật ngày càng giảm hẳn.

Đến tháng 6/1998 tôi được nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, bản thân tôi đã cơ bản hoàn thành tâm niệm với những thành quả mà lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị đã có được ở thời điểm đó, trong đó có sự đóng góp một phần nhỏ của bản thân, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện của những ngày khởi đầu với bộn bề khó khăn, vất vả.

Những anh em đồng nghiệp của tôi kế thừa và tiếp tục xây dựng lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị ngày càng vững mạnh toàn diện. Đặc biệt với sự nỗ lực của các cấp, ngành và ủng hộ của người dân, từ diện tích và độ che phủ rừng chỉ đạt 19% năm 1989, đến nay độ che phủ rừng ở Quảng Trị đã đạt gần 50%.

Nhìn lại chặng đường đã qua, 50 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để khẳng định vai trò, vị thế, sự trưởng thành của lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị, trong đó có sự đóng góp của các thế hệ Kiểm lâm qua các thời kỳ, có những người hiện nay không còn nữa, nhưng những đóng góp đáng kể của họ cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, mãi mãi được trân trọng, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh nhà./.

Nguyễn Văn Chung

Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị

Đang truy cập: 16

Hôm nay: 203

Tổng lượt truy cập: 3.490.543