Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ngày 27 tháng 5 năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra chất lượng liều tinh lợn phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2022. Dự Hội nghị có Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đại diện Lãnh đạo phòng Hành chính tổng hợp, phòng Quản lý dịch bệnh, phòng Kiểm dịch-Kiểm soát giết mổ, phòng Thanh tra-Pháp chế; Lãnh đạo và cán bộ phòng Chăn nuôi; đại diện Lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, thành phố Đông Hà và 05 chủ cơ sở chăn nuôi lợn đực giống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

      Qua kết quả bình tuyển, giám định lợn đực giống làm công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) và kiểm tra chất lượng tinh lợn bán trên thị trường năm 2022 nhận thấy: Số cơ sở chăn nuôi lợn đực giống và số lợn đực giống phục vụ công tác TTNT giảm so với năm 2021 (giảm 03 cơ sở và 13 cá thể lợn đực giống), số lượng liều tinh bán hàng ngày tại các đại lý giảm nhiều so với năm 2021. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi lợn đực giống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chú ý nâng cao chất lượng đàn lợn đực giống; chú trọng nhập mới các cá thể lợn đực giống ngoại có năng suất chất lượng cao; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc loại thải các cá thể không đảm bảo điều kiện phục vụ công tác TTNT. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị chỉ còn 03 cơ sở đang hoạt động là Trạm kỹ thuật giống và truyền giống gia súc Ái Tử, huyện Triệu Phong; Trại truyền giống Mỹ Khuê, huyện Triệu Phong và Trại lợn đực giống Cam Thành, huyện Cam Lộ với 39 cá thể lợn đực giống được đánh giá xếp loại đặc cấp, đạt tiêu chuẩn khai thác tinh phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo năm 2022-2023 (không có cá thể xếp loại Cấp I, Cấp II và Ngoại cấp). Có 03 cơ sở đã tạm dừng hoạt động gồm Trại truyền giống VAC Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng; Công ty TNHH Giang Hiền Quảng Trị và Trại lợn đực giống của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Qua kiểm tra chất lượng liều tinh lợn bán trên thị trường tại các đại lý, các liều tinh cơ bản đảm bảo chất lượng cho công tác TTNT trên địa bàn.

      Dự báo trong năm 2022 và năm 2023, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức do giá cả thức ăn chăn nuôi, con giống, trang thiết bị vật tư,… phục vụ chăn nuôi tăng cao; các loại dịch bệnh như Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, tai xanh ở lợn (PRRS),… vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan diện rộng. Để thúc đẩy chăn nuôi lợn tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Hội nghị đã đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đó là: 100% cơ sở chăn nuôi lợn đực giống đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh thú y,... phục vụ tốt cho công tác TTNT; có đầy đủ các loại Giấy chứng nhận cần thiết do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ Môi trường; 100% cá thể lợn đực giống phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra năng suất cá thể đạt yêu cầu mới được khai thác tinh bán ra thị trường; 100% đại lý bán tinh lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản tinh lợn đảm bảo chất lượng phục vụ công tác TTNT trên địa bàn.

Dương Ngọc Linh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 1660

Tổng lượt truy cập: 3.558.333