Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trước tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục ở trâu bò ở một số tỉnh đang xảy ra gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

     Để chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển sản xuất chăn nuôi; thực hiện Kế hoạch số 55/KH-SNN ngày 10/01/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 24/02/2022 của UBND huyện Hải Lăng về việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022. 

    Theo nội dung Kế hoạch, thời gian tiêm phòng chính vụ từ 01/3/2022 đến 30/4/2022, các tháng còn lại tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số nuôi mới và số chưa được tiêm trong thời gian tiêm chính vụ; UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, trong đó chú trọng  công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương; thông qua các hội đoàn thể xã, thôn về lợi ích và trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân tự giác chấp hành; thành lập Tổ tiêm, bố trí đủ lực lượng trực tiếp tiêm phòng và phục vụ công tác tiêm phòng; chỉ đạo các HTX dịch vụ Nông nghiệp, các tổ hợp tác thực hiện tốt dịch vụ Thú y hỗ trợ cho việc tiêm phòng, giúp ngành Chăn nuôi phát triển ổn định, tăng thu nhập cho xã viên; Đồng thời có các biện pháp để xử lý đối với những tập thể, cá nhân không chấp hành công tác tiêm phòng theo quy định, tuyệt đối không lập danh sách đề nghị hỗ trợ thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra đối với những hộ này. 

Ngoài ra, để thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả tốt, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đạt kết quả tốt đúng thời gian quy định; Giao trách nhiệm cho Trạm Chăn nuôi và Thú y tiếp nhận và cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, trang thiết bị cần thiết cho UBND các xã, thị trấn, các HTX trong đợt tiêm phòng chính vụ, có kế hoạch hoặc dự trữ đầy đủ các loại vắc xin cho các đơn vị triển khai tiêm phòng bổ sung, phân công cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, xử lý những tình huống xảy ra trong tiêm phòng, chỉ đạo Thú y cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ tiêm phòng;  Trạm Khuyến Nông huyện chỉ đạo lực lượng Khuyến nông viên cơ sở phối hợp với lực lượng thú y thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng năm 2022.

Sau 1 tháng triển khai thực hiện, tính đến ngày 31/3/2022 kết quả toàn huyện tiêm phòng được tiêm được 1.750 liều vắc xin THT trâu bò, đạt 48%KH; 1.650 liều vắc xin LMLM, đạt 49,4%KH; tiêm được 7.280 liều vắc xin Kép lợn tam liên, đạt 70%KH; vắc xin dại chó tiêm được 1.164 liều và tiêm được 32.302 con gia cầm. So với các năm trước đây thì trong năm 2022 công tác tiêm phòng đang gặp một số khó khăn đó là: Thiếu nhân lực để thực hiện tiêm phòng, vì số lượng thú y cơ sở chỉ có 01 người/xã, thị trấn, trong lúc đó các xã, thị trấn có dân số đông, địa bàn rộng, làm cho thời gian tiêm phòng kéo dài; Tiền công tiêm phòng thấp (3.000 đồng/1 con lợn; 4.500 đồng/1 con trâu bò và 5.900 đồng/1 con chó) không thu hút được thú y tư nhân vào thực hiện tiêm phòng; tiêm phòng cho trâu, bò cần có 2 người… Mặt khác, trong giai đoạn này vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi giảm, nhưng chi phí đầu tư thức ăn lại tăng cao đã khiến cho tâm lý người chăn nuôi dao động, dẫn một số hộ chăn nuôi còn lơ là công tác tiêm phòng bởi càng đầu tư càng thua lỗ.  

Trước những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan trong công tác tiêm phòng hiện nay, để kết quả thực hiện đạt được tốt, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tích cực về cơ sở cùng với UBND các xã, thị trấn khắc phục những khó khăn, tập trung chỉ đạo tiêm phòng, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện thực hiện đồng loạt, đúng thời gian để phát huy hiệu quả của vắc xin như: Giải pháp như trích nguồn kinh phí dự phòng được bố trí hằng năm để thuê thêm lực lượng thú y tư nhân thực hiện tiêm phòng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của người chăn nuôi; bên cạnh đó, tiếp tục động viên anh em thú y cơ sở tranh thủ tiêm ngoài giờ, lúc bà con có mặt ở nhà để đến tiêm, thực hiện tiêm cuốn chiếu và huy động thêm cán bộ thôn đi cùng đến tận hộ gia đình người chăn nuôi để vận động./.

                                                                                                                      Văn Thị Hằng

                                                                                                           Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 104

Tổng lượt truy cập: 3.558.911