Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Nhằm giúp bà con nông dân giải quyết những vấn đề cấp bách trong việc khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu bị ảnh hưởng do mưa, lũ dị thường 31/3-2/4. Ngày 11/5/2022 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "bàn giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu".

Sau đợt mưa lũ cực đoan, dị thường từ ngày 31/3 đến ngày 02/4 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, cây lúa đang ở giai đoạn ôm đòng và trổ bông, bị ngập úng đổ ngã trên 11.600 ha, trong đó, diện tích bị mất trắng khoảng 8.998,54 ha; và thiệt hại gần 3800ha ngô, hơn 2100ha hoa màu. Có 7 trạm bơm, 3 máy bơm; 2,75km kênh mương nội đồng; 1,5km bờ sông thạch hãn, sông Nhùng bị sạt lỡ, hư hỏng... Tổng thiệt hại với sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy lợi toàn tỉnh ước tính gần 800 tỉ đồng, làm giảm 5,5 vạn tấn lương thực và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khoảng 50.000 hộ dân.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đã xảy ra và đưa ra các giải pháp kịp thời cho vụ sản xuất tới, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông lâm Huế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khí tượng thủy văn, Trung tâm Khuyến nông, đã tập trung đi sâu phân tích, hướng dẫn các giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu. Các phương án đưa ra sẽ bán sát phương án 1813/PA-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh; công văn số 695/SNN-TTBVTV ngày 03/4/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm kịp thời khắc phục sản xuất vụ ĐX 2021-2022 bị ảnh hưởng do mưa lũ bất thường và tổ chức sản xuất vụ Hè Thu 2022 hiệu quả.

Đưa ra các giải pháp cấp bách trước mắt đó là tập trung nhân lực, sử dụng các biệt pháp thủ công hoặc cơ giới để cắt thân lúa tận gốc sau đó đưa thân cây lúa ra khỏi đồng ruộng sử dụng để ủ phân, tủ gốc hoặc mục đích khác. Xử lý, vệ sinh đồng ruộng trên diện tích cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn không thể khôi phục để tổ chức sản xuất vụ Hè Thu năm 2022. Tiến hành sử dụng 500 kg vôi/ha rải đều trên đồng ruộng, sau khi bón vôi 5 - 7 ngày tiến hành phun các chế phẩm xử lý gốc rạ như: Sumitri, trichoderma và tiến hành cày lật gốc rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ cây lúa vụ Hè Thu 2022. Thời gian hoàn thành xử lý vôi và Chế phẩm tối thiểu trước khi gieo lúa vụ Hè Thu 2022 từ 7 - 10 ngày.

Đối với cây rau màu kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật trên đồng ruộng làm vật liệu ủ phân hữu cơ; Tiến hành sử dụng 500 kg vôi/ha rải đều trên đồng ruộng, sau đó tiến hành cày và tổ chức làm đất, gieo trồng lại các loại rau màu phù hợp trong vụ Hè Thu sớm như: Ngô, Lạc, dưa hấu, đậu xanh, đậu đỏ, vừng, rau các loại. Tổ chức sản xuất vụ Hè Thu sớm trên diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại.

Về lâu dài cần nghiên cứu tìm chọn bộ giống thích hợp; bố trí khung lịch thời vụ hợp lý để luồn lách được thời tiết bất thuận; xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất bảo đảm, giúp cho vấn đề sản xuất lâu dài một cách bền vững.

 

Phan Việt Toàn - Trung tâm Khuyến nông

Đang truy cập: 18

Hôm nay: 1716

Tổng lượt truy cập: 3.558.389