Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Bệnh Dại đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua nhưng chưa loại trừ được, cụ thể: Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh Dại đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 08/4/2024, cả nước phát hiện 71 xã của 56 huyện tại 27 tỉnh với 106 ca bệnh Dại trên động vật; Tại tỉnh Quảng Trị, theo thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023 đã ghi nhận 2 người tử vong do mắc bệnh Dại; đồng thời qua kiểm tra lấy mẫu giám sát 01 trường hợp chó chết tại Khóm 5, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh dương tính với virut Dại. Tháng 4/2024 qua lấy mẫu giám sát bị động trường hợp 01 con chó nghi mắc bệnh Dại tại thôn Phường Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (trước khi chết chó đã tấn công cắn 01 người dân tại địa phương) dương tính với vi rút Dại.

Tổng đàn chó hiện có của toàn huyện Gio Linh gần 4.500 con, song năm 2023 kết quả tiêm phòng Dại chó của huyện Gio Linh đạt tỷ lệ thấp 69,4%  tổng đàn, không đạt bảo hộ cho đàn. Tính đến ngày 25/4/2024, toàn huyện tiêm phòng được 71% tổng đàn. Với kết quả tiêm phòng thấp và trong điều kiện thời tiết mùa hè năm nay dự báo sẽ nắng nóng, việc vận chuyển buôn bán, giết mổ chó mèo ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ đàn chó mèo bị bệnh dại và lây sang người là rất cao .

* Tỷ lệ tiêm phòng Dại đạt thấp do các nguyên nhân sau:

- Công tác quản lý đàn chó, mèo tại một số địa phương còn lỏng lẻo. Số lượng chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng của địa phương. Nguyên nhân là do chưa thống kê chính xác số liệu tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Người nuôi chưa thực hiện kê khai với chính quyền địa phương.

- Hệ thống thú y cơ sở bị thay đổi cắt giảm chỉ còn mỗi xã 01 nhân viên thú y, chưa có năng lực quản lý, số ít chưa nắm bắt kỹ thuật dẫn tới việc triển khai tiêm phòng gặp nhiều khó khăn; chính quyền địa phương chưa quan tâm, chưa có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ cho nhân viên thú y khi triển khai tiêm phòng.

- Nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Dại nên chưa chủ động trong việc bố trí kinh phí, bố trí thời gian tiêm phòng hợp lý, chưa có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; Một số bộ phận người dân chưa hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại, chưa chấp hành việc tiêm phòng cho chó, mèo nuôi, không hợp tác trong việc bắt giữ chó, mèo khi tiêm phòng. Thêm vào đó, địa bàn rộng, tập quán chăn nuôi thả rông nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng rất khó, buộc thú y cơ sở phải đi lại nhiều lần mới tiêm được.

- Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo quy định;

* Giải pháp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó, mèo:

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm của chính quyền đều có tỷ lệ tiêm phòng cao. Điển hình trong tiêm phòng Dại năm 2023 những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng Dại cao như Thị trấn Gio Linh, Gio An, Gio Quang, Trung Hải,... đều có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương. Sự vào cuộc của cấp chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.

Cần xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại hằng năm của các cấp chính quyền để chủ động trong việc triển khai thực hiện hiệu quả.

2. Công tác quản lý đàn chó, mèo chặt chẽ

- Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã theo Thông tư 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Chính quyền địa phương tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo định kỳ tối thiểu 02 lần/năm. Rà soát, kiểm tra số liệu và báo cáo cập nhật số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó mèo nuôi mới, trên địa bàn và báo cáo theo quy định. Từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng vắc xin Dại (đeo vòng cổ).

Số lượng đàn chó mèo thường có biến động hàng ngày, hàng tháng vì vậy mạng lưới thú y cơ sở phải nắm bắt kịp thời để có kế hoạch tiêm phòng sát thực tế. Hơn nữa khi nắm chắc số lượng đầu con sẽ chủ động được về số lượng vắc xin, thời gian tiêm phòng nhằm đảm bảo việc tiêm phòng triệt để.

3. Công tác tổ chức tiêm phòng

- Xây dưng kế hoạch tiêm phòng cụ thể hợp lý, sát với thực tế địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để tổ chức tiêm phòng tập trung hoặc đi đến tận hộ để tiêm phòng.

- Bố trí thời gian tiêm phòng hợp lý. Cần tập trung chỉ đạo tiêm phòng cho đàn chó, mèo trước mùa nắng nóng, tránh mùa vụ.  Việc tiêm phòng chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn, không nên kéo dài vì thực tế nếu khâu tổ chức tốt thì chỉ tiêm trong khoảng 5-7 ngày là xong. Khi đồng loạt phát động cả hệ thống cùng vào cuộc sẽ tạo sự đồng bộ để mọi nhà, mọi người cùng thực hiện việc tiêm phòng.

- Mỗi xã, thị trấn cần thành lập tổ (đội) tiêm phòng bao gồm lãnh đạo xã, công an xã, đại điện hội đoàn thể, thôn trưởng, nhân viên thú y,...đi đến tận hộ gia đình để tiêm phòng.

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, cưỡng chế tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

4. Công tác tuyên truyền, vận động

Cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, cách nhận biết người và động vật mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại và biện pháp xử lý, tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo và các chế tài xử lý khi không chấp hành tiêm phòng theo quy định. Ngoài ra còn phải đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện đến xã, thông báo trực tiếp tại các loa phát thanh thôn, bản, khu phố; tổ chức thông tin, tuyên truyền lưu động liên tục trước và trong thời gian tổ chức tiêm phòng; tuyên truyền, vận động đến tận hộ thông qua các tuyên truyền viên, cán bộ các hội đoàn thể, thú y cơ sở, khuyến nông cơ sở,.; in ấn, phát miễn phí các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, áp phích...

5. Tập huấn kỹ thuật đến cán bộ chuyên môn và người tham gia tiêm phòng. Trước mỗi đợt tiêm phòng, cơ quan chuyên môn cần tổ chức tập huấn đến cán bộ thú y trong Tổ tiêm phòng của các xã, thị trấn, vừa giúp cán bộ thú y làm tốt chuyên môn, vừa động viên họ có trách nhiệm hơn trong công việc phấn đấu cùng hoàn thành nhiệm vụ.

6. Tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình tiêm phòng và sau khi kết thúc tiêm phòng tại cơ sở. Tuyên dương những địa phương làm tốt, đồng thời kịp thời chấn chỉnh những địa phương chưa đạt yêu cầu. Đơn vị nào tiêm không đạt phải có báo cáo giải trình và chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra bệnh Dại trên chó, mèo và người tử vong do bệnh Dại. Gắn tỷ lệ tiêm phòng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của địa phương.

Hiện nay, nếu tính chi phí tiêm phòng cho đàn chó thì chỉ tiêu tốn 30.000 đồng/con. Trong khi đó nếu bị chó, mèo cắn, chi phí cho một bệnh nhân điều trị sau phơi nhiễm trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/bệnh nhân, cao gấp 50 lần so với tiêm phòng cho chó, mèo. Như vậy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại trên đàn chó, mèo có chi phí thấp, hiệu quả lâu dài và bền vững, kết hợp với các biện pháp quản lý đàn chó, mèo nuôi để giảm thiểu việc chó, mèo cắn người và truyền bệnh Dại cho người, từ đó tiến tới ngăn chặn và loại trừ hiệu quả bệnh Dại trên người.

                                 Bùi Thị Trang Nhung

Trạm Chăn nuôi và Thú y Gio Linh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Tr

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1629

Tổng lượt truy cập: 3.590.303