Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

     Trong hơn 02 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh Cúm gia cầm và bệnh Dại thuộc 05 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Theo thông tin từ Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam - Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh Dại và bệnh Cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp, cả nước đã xảy ra 64 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 25 tỉnh, thành phố;  06 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Ở trên người, bệnh Dại đã làm 27 người tử vong ở 16 tỉnh, thành phố (tăng 170% so với cùng kỳ năm 2023); số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới hơn 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023); Về bệnh cúm A/H5N1, sau 08 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới tại tỉnh Khánh Hòa và đã tử vong vào ngày 23/3/2024.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản: Công văn số 996/UBND-KT ngày 28/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; số 1391/UBND-KT ngày 22/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật; số 664/SNN-CNTY ngày 07/3/2024  của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; số 867/SNN-CNTY ngày 25/3/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và bệnh Dại với các giải pháp cụ thể:

Một là, chính quyền địa phương tổ chức rà soát tổng đàn chó, mèo; tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn. Tổ chức tiêm phòng đảm bảo: Đối với vắc xin Dại: tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn; tỷ lệ tiêm phòng cần tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương;  kết thúc tiêm phòng vắc xin Dại trước ngày 31/5/2024. Sau đó rà soát và tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin dại cho toàn bộ chó, mèo trong thuộc diện chưa được tiêm. Đối với vắc xin Cúm gia cầm: tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Hai là, Tăng cường công tác giám sát; kiểm tra ngay khi có thông tin dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp động vật nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống; khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ba là, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và bệnh Cúm gia cầm; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thực hiện việc giám sát đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y các trường hợp nghi mắc bệnh để kịp thời xử lý.

Đối với bệnh Dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu như: thông tin tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả, đặc biệt là vận động người dân tự giác chấp hành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo; các chế tài xử lý khi người dân không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại. Các nội dung tuyên truyền được các địa phương phát liên tục tối thiểu 02 lần/ngày liên tục trong đợt triển khai tiêm phòng trên các phương tiện truyền thanh của xã vào những ngày cao điểm tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại.

Bốn là, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, thị xã, các phòng chuyên môn thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật:

- Theo dõi sát tình hình bệnh Dại và bệnh Cúm gia cầm tại Việt Nam, thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh kịp thời.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng vắc xin tại các địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

- Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh; cung ứng đầy đủ vắc xin, vật tư, để triển khai phương án, chuẩn bị lực lượng (cán bộ kỹ thuật, kiểm dịch) sẵn sàng phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ tại các chợ.

- Lập kế hoạch và triển khai lấy mẫu giám sát chủ động vi rút cúm trên đàn gia cầm tại các vùng nguy cơ, vùng chăn nuôi trọng điểm và các chợ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát bệnh Dại tại các địa phương.

       Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng; trong đó quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

   Nguyễn Thị Thúy Hằng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 323

Tổng lượt truy cập: 3.556.996