Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Trị nói chung, của Sở Nông nghiệp & PTNT nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội…Có thể nói đạt được những thành tích như vậy chính là nhờ vào sự nỗ lực to lớn, bền bỉ của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, so với yêu cầu phục vụ nhân dân, công tác cải cách hành chính vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập cần được quan tâm, giải quyết như: cần giảm dần số lượng các cuộc họp, hội nghị, giảm khối lượng văn bản giấy được phát hành giữa các cơ quan, đơn vị, từng bước xây dựng “văn phòng không giấy”, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc gửi, nhận văn bản, xử lý thông tin giữa các đơn vị…

Nhận thức được vai trò của cải cách hành chính, trong nhiều năm qua, Sở đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc gửi, nhận văn bản quan mạng (không gửi bản giấy)… Sử dụng hệ thống QLVB & HSCV vào điều hành, chỉ đạo công việc, mọi thao tác liên quan đến văn bản đều được xử lý trên mạng, công tác quản lý thông tin nội bộ hiệu quả, trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin một cách dễ dàng. Thông qua mục theo dõi quy trình xử lý, lãnh đạo nắm rõ công việc được giao cho ai xử lý, kết quả xử lý đến đâu, từ đó có sự đôn đốc, nhắc nhở kịp thời. Còn đối với chuyên viên, hệ thống giúp dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các văn bản liên quan đến công việc đang xử lý; giúp phân phối văn bản nhanh và đơn giản, không phải photo, in ấn, đi lại nhiều lần; tiện lợi trong việc quản lý, tìm kiếm bản gốc; truyền đạt các thông báo, chỉ thị của lãnh đạo tới các đơn vị nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống đã mang lại nhiều tiện ích đối với công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp của Sở và các đơn vị trực thuộc. Lãnh đạo, chuyên viên biết được công việc cần xử lý, các công việc đang theo dõi; thuận tiện trong tra cứu thông tin, tài liệu; kiểm soát được công việc một cách chặt chẽ: cải tiến tốc độ xử lý công việc, theo dõi và đánh giá dễ dàng công việc, chuẩn hóa được các quy trình công việc; nâng cao hiệu quả xử lý công việc (giảm thời gian xử lý, trao đổi), tăng năng suất lao động; giải quyết kịp thời các bế tắc trong quy trình xử lý công việc, theo dõi được tất cả các hoạt động trong quy trình xử lý công việc, đảm bảo tính liên thông dữ liệu, giảm tối đa các rủi ro; điều hành tập trung và giúp ra quyết định nhanh; tiết kiệm chi phí thư tín, điện thoại, in ấn sao chép, không gian lưu trữ; hướng đến một hệ thống thông tin đồng nhất

Bên cạnh đó, muốn ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ cũng như giảm tải các công việc thủ công, điều quan trọng đòi hỏi phải nâng cao ý thức của cán bộ viên chức. Muốn làm được điều đó, ngoài việc xây dựng các quy định cụ thể, chế tài rõ ràng thì vai trò tiên phong, nêu gương của các đồng chí lãnh đạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, giao dịch trong công việc chuyên môn hàng ngày là một yếu tố vô cùng quan trọng, thâm chí có vai trò quyết định. Bởi dù cán bộ, nhân viên có cố gắng nhiều đến đâu, nhưng các đồng chí lãnh đạo không nhiệt tình tham gia hoặc tham gia không triệt để thì việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ trở nên nửa vời. Chúng ta có đầu tư công sức, tiền bạc, tâm huyết để xây dựng các hệ thống mạng, mà chỉ có cán bộ nhân viên thực hiện thì công tác cải cách hành chính cũng trở nên vô nghĩa. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ để minh chứng cho việc nếu không có sự đồng lòng, quyết tâm của cả một hệ thống thì sự cố gắng cải cách hành chính cũng sẽ là vô ích. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta có thể xây dựng bảng đánh giá chấm điểm cán bộ viên chức hàng tháng, trong đó chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn có số điểm cao trong tổng điểm đánh giá. Việc đánh giá sẽ được hệ thống chấm điểm tự động không phải do chủ quan cá nhân, chính vì thể vẫn đảm bảo được tính khách quan, góp phần xem xét, đánh giá thực chất chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Một yếu tố cuối cùng muốn nhấn mạnh chính là con người. Con người là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Những chủ trương, đường lối đúng đắn đều chỉ là lý thuyết nếu con người không vận dụng nó vào thực tiễn. Bản than mỗi cá nhân phải biết tự rèn luyện, tự học hỏi, tự nhận thức, tự trau dồi thêm vốn sống cho mình. Để tạo sự thay đổi trong công tác cải cách hành chính, trước hết chúng ta cần phải đổi mới về tư duy; thay đổi lề lối làm việc, tác phong công tác, cách làm, cách hành động từ chính những con người đang trực tiếp làm việc trong nền hành chính nhà nước. Đó là chính tôi, chính các bạn, những “công bộc” của nhân dân, chúng ta “sinh ra là để phục vụ” nhân dân. Bằng những hành động nhỏ bé của mỗi người cán bộ công chức, bằng chính niềm tin, sự quyết tâm, đồng lòng của một tập thể lớn, tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm xây dựng  được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Mỗi người cán bộ, công chức của chúng ta như một viên gạch nhỏ và nhiều viên gạch “chắc, đẹp” như vậy sẽ giúp chúng ta xây dựng được một mái nhà chung vững chãi, bền đẹp. Với hy vọng rằng mỗi người cán bộ công chức hãy tự vươn lên, đội ngũ sẽ vươn lên, khi đó bộ máy hành chính của chúng ta sẽ vững mạnh, phát triển và thành công./.

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 918

Tổng lượt truy cập: 3.591.640