Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Chủ động phòng trừ bệnh gỉ ắt hại cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa, đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi nhuận lớn, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân. Tuy nhiên hằng năm sau mùa mưa bão nhiều đối tượng phát sinh gây hại mạnh trên vườn cà phê đặc biệt là bệnh rỉ sắt.

 Bệnh rỉ sắt là một trong những bệnh hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây cà phê, đặc biệt là giống cà phê Arabica. Bệnh không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của cây. Vì vậy, việc chủ động phòng trừ bệnh rỉ sắt là giải pháp thiết yếu nhằm đảm bảo sản xuất bền vững. Để chủ động trong công tác phòng trừ bệnh rỉ sắt, người trồng cà phê cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh và thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Triệu chứng:

Ban đầu xuất hiện đốm nhỏ màu vàng nhạt mặt dưới lá, sau đó các đốm này mở rộng và trở thành màu cam sáng giống như lớp bột rỉ sắt.

2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh và tác hại:

Bệnh do nấm Hemileia vastatrix gây bệnh, nấm này tấn công ở mặt dưới lá nơi có nhiều lỗ khí khổng và phát triển nhanh trong điều kiện thuận lợi. Bào tử nấm từ lá bệnh lây lan qua gió, nước mưa hoặc dụng cụ làm vườn... Những vườn cà phê rậm rạp, không cắt tỉa cành thông thoáng thì bị bệnh nặng hơn. Bệnh lây lan nhanh,  nhất là sau vụ thu hoạch, bệnh nặng làm lá rụng hàng loạt, khô cành dẫn đến chết cây.

3. Biện pháp phòng trừ:

- Cà phê trồng mới chọn giống đảm bảo, có nguồn gốc rõ ràng.

- Chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, cành tăm, cành mọc ngược, tỉa cành cây che bóng rậm rạp, thu gom cành lá ép xanh tạo vườn cây thông thoáng hạn chế nấm bệnh gây hại đặc biệt sau vụ thu hoạch.

- Bón phân cân đối, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt là kali và các nguyên tố vi lượng.

- Sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn đối kháng (như Bacillus subtilis) để hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh.

- Kiểm tra thường xuyên và xử lý khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất như: Hexaconazole, Difenoconazole (Anvil 5SC, Topvin 111 SC; Hexa 111 SC, Tiltsuper 300EC) phun 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày/lần.

- Những vườn cà phê già cổi trến 10 năm, cây sinh trưởng kém, bệnh phát triển nặng thì tiến hành tái canh vào năm sau./.

Trần Thị Thanh Nhanh- Trạm TTBVTV liên huyện Hướng Hóa - Đakrông

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 1024

Tổng lượt truy cập: 3.588.617