Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2024 diễn biến phức tạp, cực đoan, gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng với các đặc điểm như: Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra sớm hơn so với TBNN và liên tục trong thời gian ngắn, tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão, khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, mưa lớn có xu hướng gia tăng tập trung từ tháng 10 đến đầu tháng 11.

Để chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây công nghiệp dài ngày (hồ tiêu, cao su,...) và cây ăn quả vào mùa mưa, bà con cần có các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hợp lý để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của thời tiết cực đoan và sâu bệnh hại đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao.


1. Đối với cây hồ tiêu:

- Tạo hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50 cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá; đào rãnh thoát nước chính sâu trên 50 cm xung quanh vườn. Vào đầu mùa mưa những vườn nào có bồn giữ nước quanh gốc cần phải phá bỏ để chống đọng nước.

- Khi đất đủ ẩm, tiến hành bón phân (mỗi gốc tiêu cần bón:10-15 kg phân chuồng hoai mục đã được ủ với chế phẩm Trichoderma, 0,1-0,2 kg urê, 0,3-0,4 kg phân lân, 0,06-0,1 kg phân kali,); kết thúc mùa mưa bón 0,1-0,2 kg urê, 0,06-0,1 kg phân kali.

- Tiến hành tỉa bớt cành của cây choái; cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, giảm độ ẩm, bón vôi hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên.

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh chết nhanh, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi vườn rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột.

- Đối với những vườn hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh cần xử lý bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất Phosphonate, Metalaxyl, Fosetyl Aluminium,... (như Agrifos-400, Ridomil Gold 68WP, Mataxyl 500WP, Aliette 800WG,...) bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Đối với cây cao su:

- Dùng các loại phân chuyên dùng cho cây cao su có hàm lượng đạm và kali cao như NPK 16-8-16,…với lượng bón từ 0,5-0,7 kg/cây; kết hợp các biện pháp chăm sóc như vệ sinh vườn, trừ cỏ dại, tỉa bỏ các cành bị bệnh để tạo sự thông thoáng trong vườn cây, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những cây bị bệnh, chú ý bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo, thối mốc mặt cạo, rụng lá mùa mưa,...

 - Những vùng bị bệnh loét sọc mặt cạo hại nặng nên giảm chu kỳ cạo hoặc nghỉ cạo trong thời gian mưa dầm, không cạo khi cây còn ướt, không cạo phạm, không cạo quá thấp. Định kỳ vệ sinh mặt cạo và bôi thuốc để phòng bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Phosphonate, metalaxyl,... như Ridomil Gold 68 WG, Fortazeb 72WP, Agrifos 400,... pha nồng độ 2% (pha 20g thuốc trong 1 lít nước) và bôi thêm lớp vaseline để chống ướt. Trong mùa mưa nên bôi thuốc từ 1-2 lần/tháng.

- Những cây bị bệnh, được đánh dấu và nghỉ cạo, rồi quét các loại thuốc trên một tuần 2 lần cho đến khi khỏi bệnh mới cạo lại, nhằm tránh lây lan sang các cây khác qua dao cạo.

3. Đối với các loại cây ăn quả:

- Đào rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn.

- Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt, cành trong tán mọc quá dày, cành sâu bệnh để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng và tạo độ thông thoáng cho vườn cây. Sau khi cắt tỉa cành cần sử dụng vôi quét lên các vết cắt và quét từ gốc lên trên thân cây từ 70 cm-1,5m, để cho cây không bị nhiễm các nấm bệnh từ vết cắt.

- Bón phân hữu cơ hoai mục đã được xử lý chế phẩm Trichoderma khi đất đủ ẩm, lượng phân bón từ 10-15kg/gốc. Ngoài ra, phun thêm các loại phân bón vi lượng để cây sinh trưởng và phát triển, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận trong mùa mưa bão.

- Xử lý các đối tượng sâu bệnh như sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả, ngài mắt đỏ, bệnh chảy gôm…

- Đối với cây ăn quả đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ
động thu sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên
chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái.

- Trường hợp mưa lớn nhiều ngày bà con cần tiến hành khơi thông dòng chảy, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ. Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hoặc các loại thuốc trừ nấm vùng rễ như Curzate, Ridomil, Aliette, Metalaxyl… phun quanh gốc, nhằm ngăn chặn nấm gây hại cho bộ rễ. Tưới phân kích rễ theo hình chiếu tán cây để bộ rễ tơ mới phát triển kết hợp phun phân bón lá để tăng cường khả năng chống chịu.

                                        

                                                              Phạm Thị Phương Thảo -  Trạm Trồng trọt và BVTV Cam Lộ

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 66

Tổng lượt truy cập: 3.498.248