Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Sắn được xem là cây xóa đói giảm nghèo của bà con dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa - Quảng Trị với diện tích khoảng 5.700 ha. Hiện nay cây sắn đang ở giai đoạn phát triển thân lá – phát triển củ. Nhìn chung cây sắn sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, hằng năm, sau mùa mưa bão thường xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nặng trên vườn sắn, đặc biệt là bệnh thối gốc, thối củ. Đây là một loại bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và khó phòng trừ làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng và nguồn giống để trồng cho vụ sau. Để chủ động trong công tác phòng trừ bệnh bệnh thối gốc, thối củ, người trồng sắn cần phát hiện bệnh sớm và thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Nhận biết triệu chứng bệnh

Cây bị bệnh phần thân sát mặt đất bị thâm đen và lõm vào. Trên củ sắn có thể phình lên và khi cắt ra quan sát thấy các vết bệnh màu nâu sáng trong ruột củ. Bệnh hại nặng dẫn tới thân, rễ, củ sắn bị thối, cây héo vàng, còi cọc và chết.

                                                   images     

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do tập đoàn nấm gây nên, các loài nấm thường gặp là Phytophthora spp, Fusarium spp, Diplodia manihoti. Nấm gây hại các mạch dẫn trong thân, củ. Nấm gây bệnh có thể tồn tại trong đất trong thời gian rất dài kể cả trong điều kiện không có cây ký chủ.

3. Điều kiện phát sinh phát triển

Nguồn nấm bệnh chủ yếu từ đất và các tàn dư cây bệnh. Nấm xâm nhập vào cây sắn qua các vết thương cơ giới do côn trùng, do quá trình chăm sóc gây nên hoặc tự xâm nhiễm qua rễ.  Bệnh thường gây hại nhiều trên các chân đất kém thoát nước, đất mới khai hoang. 

4. Biện pháp phòng trừ:

Bệnh này phòng là chính, dùng thuốc BVTV  có hiệu quả thấp và khó thực hiện.

- Vệ sinh đồng ruộng:  Sau thu hoạch cần thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật và làm sạch cỏ dại vì đây là nguồn lưu tồn và lây lan quan trọng nhất.

-  Chọn đất trồng sắn ở những nơi cao không bị ngập cục bộ.

- Sử dụng giống sạch bệnh. Không dùng hom giống có mầm bệnh (lấy ở ruộng có cây bị bệnh).

- Xử lý hom giống trước khi trồng bằng các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl + Mancơzep (Ridomil 68WP); Manozep 80WP ngâm trong nước hòa thuốc 10-15 phút, vớt ra, để ráo đem trồng.

- Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoặc các loại phân vi sinh để cải tạo đất.

 - Ở những vùng thường xuyên bị bệnh nên bón vôi trước khi trồng và khoanh vùng bị bệnh phun trừ bằng các loại thuốc hóa học có gốc đồng.  Luân canh với cây trồng khác họ (ngô, khoai lang...).

- Nhổ bỏ cây bị bệnh kịp thời, xử lý vôi bột tại vùng bị bệnh để tránh bệnh lây lan trên ruộng. Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc.

- Sử dụng các chế phẩm từ nấm Trichoderma, Kentomium bón vào đất trước khi trồng.

- Biện pháp hóa học thường có hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất.

- Những cây bị nặng không khắc phục được cần nhổ tiêu hủy cây bị bệnh tránh lây lan, phun thuốc khoanh vùng để hạn chế nấm bệnh bằng các loại thuốc như: Fosetyl Aluminium, Metalaxyl + Mancozep (Aliette 800WG; Ridomil 68WP phun ướt toàn bộ cây và gốc, phun theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nguyễn Xuân Thế - Trạm TTBVTV Hướng Hóa

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 2822

Tổng lượt truy cập: 3.556.495