Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

          Về HTX Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp những ngày sau vụ sản xuất Hè Thu 2024 thắng lợi này, bà con xã viên chia sẻ niềm vui khi cùng thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thâm canh đã đưa năng suất lúa của sản xuất tăng lên trên 50 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên HTX Chấp Lễ dẫn đầu năng suất lúa của xã Vĩnh Chấp.

          Được biết HTX Chấp Lễ có diện tích sản xuất lúa trên 60 ha nhưng hầu hết là chân ruộng cát, nhiễm phèn nặng nên nhiều năm qua năng suất đều đạt rất thấp, chủ yếu dưới 40 tạ/ha do đó đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa chung của địa phương. Nhận được sự hỗ trợ của UBND huyện Vĩnh Linh, Phòng NN và PTNT huyện và chỉ đạo kỹ thuật từ trạm Trồng trọt và BVTV Vĩnh Linh nên HTX Chấp Lễ đã triển khai mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ, thâm canh để tăng năng suất trên diện tích 2,8 ha trong vụ Hè Thu năm 2024 (trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, người dân đối ứng 50% chi phí). Mô hình ứng dụng giải pháp sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, người dân được tiếp cận với quy trình chăm sóc thâm canh đảm bảo từ khâu chọn giống lúa năng suất và chất lượng cao Hà Phát 3, bổ sung dinh dưỡng đúng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại đúng thời điểm. Tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ để giúp bà con tiếp cận với các giải pháp tiến bộ Khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0, mô hình được công ty Nicotex Đà Nẵng hỗ trợ toàn bộ kinh phí máy bay không người lái và một số loại thuốc phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, giúp người dân tiết kiệm được công lao động, bảo vệ sức khỏe và môi trường sinh thái.

          Theo HTX cho biết mô hình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn bởi vì diện tích sản xuất nhỏ, phải chỉ đạo để bà con gieo đồng loạt cùng một loại giống, thực hiện chăm sóc theo một quy trình và cùng thời điểm trong khi tập quán sản xuất của bà con lâu nay làm theo kinh nghiệm. Việc vận động, tuyên truyền để bà con tuân thủ được HTX ưu tiên. Cán bộ kỹ thuật bám chắc mô hình, xác định chính xác các thời điểm chăm sóc quan trọng để chỉ đạo bà con thực hiện theo.

          Mô hình triển khai trên diện tích 2,8 ha nhưng qua kiểm tra thực tế tại địa phương có hơn 10 ha bà con đã tự học theo quy trình này và đều đưa năng suất lúa lên trên 50 tạ/ha. Nhiều hộ phấn khởi cho biết do nền đất có tốt hơn khi áp dụng quy trình này vào năng suất tăng đến gần 60 tạ/ha. Nhiều bà con đã đến tham quan và học tập tại mô hình để áp dụng cho các vụ sản xuất tiếp theo.

          Mới mong muốn đánh giá chính xác hơn nữa tính hiệu quả của quy trình, phù hợp với thực tế của địa phương và có thể nhân rộng ra cho nhiều đơn vị có điều kiện canh tác tương tự như ở các HTX trong địa bàn xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, trong thời gian mô hình tiếp tục thực hiện thêm vụ sản xuất Đông Xuân 2024-2025, phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân lên trên 55 tạ/ha và cao hơn nữa như mục tiêu đã đề ra.

Lê Thị Hiền Lương

Đang truy cập: 24

Hôm nay: 2442

Tổng lượt truy cập: 3.556.115