Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Kỳ vọng vụ hè thu “được mùa, được giá”

Vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh gieo sạ được hơn 22.700 ha lúa. Đến nay, cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất  đạt khoảng 58 tạ/ha, còn khoảng 900 ha chưa thu hoạch chủ yếu huyện Hướng Hóa 500 ha, Đakrông 200 ha, Cam Lộ,... Cùng với đó là giá thu mua lúa của thương lái cũng đang ở mức khá cao nên nông dân rất phấn khởi.
 

Được mùa, được giá
      Gần một tuần nay, ông Phạm Quý Phi ở tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng luôn tất bật với công việc, hết theo máy ra đồng cắt lúa, vận chuyển về điểm phơi, lại đến việc tranh thủ nắng nóng để phơi khô những bao lúa vừa thu hoạch xong. Vụ hè thu năm nay, gia đình ông xuống giống được 1,5 mẫu (1 mẫu bằng 0,5 ha) chủ yếu là giống lúa ĐBR57. Chỉ cần lúa chín khoảng hơn 80% là ông hợp đồng với máy gặt đập liên hợp để thu hoạch. Lúa vừa gặt xong, chỉ cần phơi khô 1 nắng là đã có thương lái tới thu mua ngay với giá 8.800 đồng/kg. Với năng suất thu hoạch trên 3 tạ/sào, bình quân mỗi sào sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 1,5 triệu đồng. “Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, sâu bệnh cũng ít, giá các loại vật tư, phân bón ổn định nên cây lúa phát triển tốt, năng suất đạt cao. Giá thu mua của thương lái cũng đang đứng ở mức cao nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi”, ông Phi cho hay.
      Cách đó không xa, đang cân những bao lúa cuối cùng cho thương lái, ông Nguyễn Trường Sơn ở tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng vui mừng cho biết, năm nay gia đình ông gieo sạ được hơn 2,2 ha lúa, chủ yếu là giống lúa Khang dân. Mặc dù mới thu hoạch được hơn 50% diện tích nhưng với năng suất đạt hơn 3,4 tạ/sào. trừ chi phí ông đạt lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Theo ông Sơn, nếu như những năm trước, khi mới bước vào vụ thu hoạch thì thương lái thu mua với giá cao, sau khi vào chính vụ thu hoạch thì giá lúa sẽ giảm rất nhanh. Nhưng hiện tại giá lúa lại đang tăng lên từng ngày. Nếu như đầu vụ thương lái thu mua với giá khoảng 8.200 đồng/kg thì hiện tại giá lúa đang giao động từ 8.800 – 9.000 đồng/kg. “Với giá lúa như hiện tại thì ước tính nông dân đạt lợi nhuận khoảng 50%. Chỉ mong trời thương thêm cho mấy ngày nắng nữa để nông dân chúng tôi thuận lợi trong việc thu hoạch. Cùng với đó, là giá lúa tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay để nông dân có lãi. Có như vậy đời sống người trồng lúa mới khá hơn”, ông Sơn nói.
      Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc thông tin, đến thời điểm này toàn xã đã thu hoạch được khoảng 400 ha trong tổng số hơn 775 diện tích lúa. Năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha, trong đó cao nhất là Hợp tác xã Phước Điền lên đến 70 tạ/ha. Giá thu mua của thương lái cũng đang ở mức khá cao, đạt trên 8.800 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Theo ông Lộc, để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, UBND xã đã chỉ đạo các Hợp tác xã chủ động rà soát nắm số lượng máy gặt đập liên hợp và hợp đồng chặt chẽ với các chủ máy. Phân chia số lượng phù hợp cho từng vùng để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Phấn đấu đến ngày 15/8 cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa, sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch của huyện.
      Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, hiện nay các xã vùng trũng huyện Hải Lăng đã bước vào thu hoạch đại trà, diện tích lúa đã thu hoạch gần 3.000 ha, đạt hơn 44% diện tích toàn huyện, tập trung tại các xã Hải Dương, Hải Định, Hải Quế, Hải Trường… Dự kiến đến ngày 20/8 toàn huyện cơ bản thu hoạch xong. Qua kiểm tra thực tế, vụ hè thu năm nay trên địa bàn huyện tiếp tục được mùa, được giá. Năng suất lúa khô bình quân ước đạt 65 tạ/ha, nơi cao đạt 70 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Giá lúa tươi đầu vụ đạt từ 7.000 – 7.500 đồng/kg, giá lúa khô lên tới 8.800 – 9.000 đ/kg nên nông dân rất khởi. Theo ông Đức, đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của của huyện trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất theo đặc thù của địa phương phân công cán bộ chuyên môn làm tốt công tác dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh hại; đặc biệt là việc tuân thủ, chủ động của nông dân trong thực hiện đúng khung lịch thời vụ của huyện. “Là địa phương vùng trũng nên trên cơ sở khung lịch thời vụ của tỉnh, chúng tôi xây dựng khung lịch thời vụ của huyện sớm hơn 5 ngày. Bên cạnh đó, nông dân cũng tập trung xuống giống đồng loạt, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây lúa phát triển tốt, rút ngắn thời gian thu hoạch so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh”, ông Đức cho hay.
Cảnh giác với thời tiết
      Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức khẳng định, với người nông dân thì sản xuất hè thu là vụ mùa khó lường nhất trong năm. Buổi sáng trời có thể nắng như đổ lửa nhưng buổi chiều mưa giông đột ngột kéo về nên lúa còn đứng ngoài đồng thì nông dân vẫn còn lo lắng. Do vậy, trước dự báo tình hình thời tiết trong những ngày tới có nhiều diễn biến phức tạp, để thu hoạch tốt diện tích lúa hè thu còn lại, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Tiến hành thu hoạch ngay khi số hạt chín trên bông đạt từ 80% để tránh thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, yêu cầu các chủ máy gặt đập liên hợp tăng tần suất gặt cả ban ngày lẫn ban đêm để tăng tốc thu hoạch nhằm bảo toàn về năng suất.
      Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, để chủ động ứng phó với thiên tai, đảm bảo sản xuất vụ hè thu thắng lợi, các địa phương cần Thường xuyên cập nhật, theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động các giải pháp sản xuất thích ứng, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đối với diện tích lúa chưa trổ, đang trổ bông, chín sữa cần thường xuyên thăm đồng để điều tra, dự tính dự báo, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại cuối vụ như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá vi khuẩn, rầy các loại… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Hướng dẫn nông dân tăng cường công tác chăm sóc, đặc biệt khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân bón lá giàu Kali để phun lên lá trước trổ 5 – 7 ngày nhằm giúp lúa trổ nhanh, trổ thoát, trổ tập trung, tăng tỉ lệ hạt chắc và cứng cây, hạn chế đổ ngã . Kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao; khi xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa cần huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng; sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 – 5  gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín; đối với lúa đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát. 
      Đối với diện tích lúa chín sáp – chín hoàn toàn tiến hành rút nước để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, phương tiện cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi lúa chín đạt 80 – 85% với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời có phương án phơi sấy, bảo quản, cất giữ nông sản phù hợp, thích ứng với diễn biến thời tiết bất thuận. Rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn để chủ động xây dựng phương án để xử lý cho diện tích lúa chưa đến kỳ thu hoạch. Huy động tối đa mọi phương tiện như máy bơm điện, bơm dầu để bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập, đổ ngã.

 

Trần Thúy, Lan Anh - TTKN

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 335

Tổng lượt truy cập: 3.589.009