Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Dấu ấn Công đoàn ngành Nông nghiệp

Xác định “tam nông” gồm nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là mục tiêu quan trọng và lâu dài, thời gian qua, đoàn viên công đoàn Trung tâm Khuyến nông đã tích cực tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, thực hiện nhiều việc làm thiết thực. Qua đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Trung tâm mà còn góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 

      Phát huy sức mạnh của mỗi đoàn viên công đoàn
     Sau một thời gian gắn bó với các đối tượng nuôi truyền thống như cá diêu hồng, cá trê lai… có hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2022 đến nay, được sự hỗ trợ của Tổ công đoàn Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh ông Trần Đức Dũng ở tại xã Vĩnh Khê đã quyết định chuyển toàn bộ lồng nuôi của mình sang thả nuôi cá leo và cá lăng chấm. Ông Dũng kể, năm 2022, ông được Tổ công đoàn Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá leo trong lồng tại hồ Bảo Đài với quy mô 180 m3. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 kg/con. Với giá bản từ 80.000 – 85.000 đồng/kg, trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận gần 90 triệu đồng. Tiếp đó, để đa dạng đối tượng nuôi, cuối năm 2022, ông được hướng dẫn thả nuôi thử nghiệm giống cá lăng chấm với số lượng 600 con. Sau gần 1 năm nuôi, cá sinh trưởng tốt, sản lượng thu hoạch được gần 5 tạ cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 25 triệu đồng. Nhận thấy đây là các đối tượng nuôi mới mang lại lợi nhuận cao, có đầu ra khá ổn định, ông Dũng đã mạnh dạn mở rộng ra toàn bộ 10 ô lồng nuôi của mình. Hiện tại, mỗi ô lồng nuôi có thể tích 80 m3 ông thả nuôi 1.500 con cá giống và thả nuôi theo kiểu gối vụ để thu hoạch quanh năm theo hình thức “cuốn chiếu”. “Với lợi thế mặt nước lớn, trong thời gian tới tôi sẽ làm thêm lồng nuôi để thả nuôi với số lượng lớn hơn”, ông Dũng cho biết thêm.
      Còn tại huyện Cam Lộ, vụ đông xuân vừa qua là vụ đầu tiên ông Nguyễn Tấn Lễ ở tại thôn Định Xá, xã Cam Hiếu trồng 0,5 ha lúa theo mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai. Theo ông Lễ, điểm đặc biệt của mô hình đó là sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men; tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ. Sử dụng máy bay không người lái để phun các loại chế phẩm trong suốt quá trình chăm sóc giúp hạn chế đi lại trên ruộng, giảm sức lao động, lượng chế phẩm phun đồng đều hơn, tập trung hơn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện mô hình, các đoàn viên công đoàn của Tổ công đoàn Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ đã thường xuyên bám sát quá trình sinh trưởng của cây lúa để hướng dẫn nông dân cách chăm sóc. Kết quả, sau gần 3,5 tháng, ông thu được hơn 3,3 tấn lúa tươi. Với giá thu mua 13 triệu đồng/tấn lúa tươi ngay tại ruộng, ông thu về gần 43 triệu đồng, lãi ròng trên 18 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước đây. “Hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất đều được cơ giới hóa. Lúa tươi được Tổng công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu toàn bộ. Tôi sẽ tiếp tục duy trì việc trồng lúa hữu cơ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa đem lại nhiều lợi ích về môi trường”, ông Lễ cho hay.
    Theo Chủ tịch công đoàn cơ sở thành viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Văn Phương, những mô hình kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số những kết quả đạt được của đơn vị. Đặc biệt, với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, bắt đầu được thực hiện thử nghiệm từ năm 2017, chỉ sau ít năm “bén duyên” với nông dân, đến nay, mô hình đã có mặt ở hầu hết các huyện trọng điểm lúa của tỉnh từ: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Trong đó có vai trò tích cực của đoàn viên công đoàn Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị. Ở địa phương nào mô hình sản xuất lúa hữu cơ cũng minh chứng được hiệu quả tích cực, không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mô hình còn thay đổi nhận thức, phương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa, giúp giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng. Quan trọng nhất là mô hình đã mang lại niềm tin lớn cho nông dân trong việc liên doanh, liên kết các hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp sạch nói riêng. Tạo ra sự liên kết trong sản xuất bền vững, nâng cao giá trị của chuỗi lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân. Góp phần thực hiện mục tiêu 
      Ông Phan Văn Phương thông tin thêm, với phương châm đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh; xây dựng chuỗi liên kết, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó giúp nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thời gian qua, Ban chấp hành công đoàn Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với chuyên môn chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trên các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, làm cơ sở thực tiễn cho nông dân trực tiếp học tập để áp dụng vào sản xuất tại địa phương. Đơn cử như mô hình trồng cam, bưởi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn, mô hình nuôi cá leo trong ao và trong lồng… Đồng thời, đã chủ động liên kết với doanh nghiệp, kết nối trên các trang mạng internet để tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập. 
      Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối hợp với các Liên đoàn lao động các huyện, công đoàn xã tổ chức triển khai gắn biển công đoàn tại các mô hình trình diễn của đơn vị như: mô hình sản xuất dưa hấu sử dụng bạt phủ nilon đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên đất lúa chuyển đổi vụ hè thu; mô hình nuôi ốc hương vùng ven biển tại xã Hải An, huyện Hải Lăng… Qua đó, đã tạo sự gắn kết hoạt động giữa tổ công đoàn với Liên đoàn lao động huyện, công đoàn xã nơi triển khai mô hình. Làm phong phú nội dung hoạt động, lan tỏa kết quả, cách làm, quy trình sản xuất đến đông đảo đoàn viên công đoàn cũng như bà con nông dân áp dụng nhân rộng, thực hiện vào thực tế sản xuất.
      Góp sức xây dựng nông thôn mới
     Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, công đoàn Trung tâm Khuyến nông đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử, logistics, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng, phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; quảng bá các sản phẩm nông sản, các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh và các địa phương trong tỉnh… 
      Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Công đoàn Trung tâm đã tham gia đỡ đầu, hỗ trợ xã Mò Ó triển khai các mô hình:  nông lâm kết hợp với quy mô 2,1 ha tại thôn Đồng Đờng với 3 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 99,6 triệu đồng; nuôi gà thịt bản địa theo hướng an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học với quy mô 900 con (100 con/hộ; kinh phí hỗ trợ 117 triệu đồng; trồng đậu xanh giống ĐX 02 với quy mô 5 ha; xây dựng 2 vườn cây sinh kế với quy mô 500m2/vườn, sử dụng các loại cây ăn quả như mít Thái, ổi, cam, bưởi…. Qua đó, giúp xã Mò Ó từng bước hoàn thiện các tiêu chí hiện chưa đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới. 

 

Lan Anh, Trần Trang - TTKN
 

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 1515

Tổng lượt truy cập: 3.560.322