Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay sẽ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Tại Quảng Trị, dù mới bước vào mùa hè, song có thời điểm nhiệt độ trong ngày lên tới 38 - 41 độ C và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các đợt nắng nóng cao điểm.  Đây là điều kiện bất lợi khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh. Để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi, tránh gây thiệt hại về kinh tế, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp như sau:

1.  Cải tạo, nâng cấp hệ thống làm mát chuồng trại:
- Nâng cao mái, chống nóng mái chuồng bằng cách sử dụng các vật liệu cách nhiệt như: phên, tre nứa, lá cọ, trồng cây dây leo hoặc lắp đặt hệ thống phun nước trên mái chuồng.
- Vệ sinh dọn dẹp không gian bên trong chuồng nuôi, loại bỏ mạng nhện, tháo gỡ các chi tiết không cần thiết để tạo không gian thông thoáng, giúp lưu thông không khí.
- Lắp đặt thêm hệ thống quạt mát, hệ thống quạt nên lắp đặt ngang chuồng đảm bảo luồng gió được hút từ nơi có không khí mát vào trong chuồng nuôi. Không nên lắp quạt theo hướng thổi thẳng từ trên nóc chuồng xuống.
- Đối với hộ chăn nuôi quy mô lớn, có điều kiện kinh tế nên cải tạo sửa chữa thành chuồng nuôi khép kín có sử dụng hệ thống giàn mát và quạt thông gió.
2. Tăng cường chế độ chăm sóc cho gia súc, gia cầm:
- Vào những ngày nắng nóng vật nuôi thường có nhiều biến đổi trong qua trình hấp thu, trao đổi chất, nên việc ăn uống thay đổi không bình thường vì vậy cần tăng cường chế dộ dinh dưỡng và bổ sung khoáng, premix, vitamin,... Những ngày nắng nóng nhu cầu cần nước trong cơ thể con vật là rất lớn cho nên phải đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc, gia cầm (tốt nhất là lắp hệ thống cung cấp nước tự động cho vật nuôi tại chuồng nuôi). Hằng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước ở bồn chứa, máng nước và vệ sinh nguồn nước.
+ Đối với gia súc: Cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, rau củ quả tươi, tăng thức ăn giàu đạm, giảm thức ăn giàu tinh bột, mỡ đường. Đảm bảo cho con vật đủ no. Hằng ngày tắm chải 2-3 lần/ngày để giảm nhiệt độ cơ thể.
Không chăn thả hoặc cho gia súc làm việc trong lúc thời tiết nắng gắt (thời điểm chăn thả tốt nhất 6 - 9 giờ sáng và 4 - 6 giờ chiều), đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non.
+ Đối với gia cầm: Cho ăn thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, tăng cường thức ăn xanh, bổ sung vitamin, thuốc bổ (đối với thủy cầm cần nước bể tắm phải dùng nước sạch, mát).
Bổ sung thêm số lượng máng ăn, máng uống trong mùa nóng để đảm bảo cho gia súc, gia cầm ăn, uống đầy đủ.
- Hạn chế vận chuyển, chu chuyển đàn gia súc gia cầm trong mùa nóng. Nếu gia súc, gia cầm cần thiết phải vận chuyển thì lưu ý vận chuyển vào đêm, sáng sớm hoặc chiều mát, phương tiện vận chuyển cần có các vật dụng làm mát và chú ý mật độ vận chuyển cần thông thoáng.
- Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Lưu ý trong chăn nuôi gia cầm, điều này rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh và các bệnh về hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 – 8 con/m2, với trâu bò đảm bảo 4 -6 m2/con).
3. Chú ý vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường xung quanh chuồng nuôi:
- Tăng cường vệ sinh chuồng trại, không để phân và chất thải ứ đọng nhiều sẽ sinh ra khí độc, làm nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi tăng cao dễ phát sinh mầm bệnh. Nếu dùng đệm lót sinh học cần giảm độ dày của lớp đệm để tránh làm nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi. Định kỳ 2 lần/1 tuần phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh.
- Với môi trường xung quanh chuồng nuôi cần tăng cường phát quang bụi rậm để tránh ruồi muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh (một số loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Virkon, Haniodin, Halamit…). Thực hiện tốt việc ủ phân, tốt nhất xử lý lượng phân của gia súc gic cầm thải ra hàng ngày làm phân bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho cá, không để lượng phần tồn ứ đọng trong khu vực chuồng nuôi trong những ngày hè.
4. Một số biện pháp xử lý khi gia súc bị cảm nắng, cảm nóng:
- Nhanh chóng đưa gia súc vào chỗ mát. Khi đang vận chuyển hoặc do nuôi nhốt số lượng lớn, cần cho ngay con vật nghỉ ngơi ở khu vực có nhiều bóng cây mát, tách riêng từng con ra ở vị trí riêng nhằm giảm lượng khí độc do chính từ các con vật thải ra khi nhốt chung.
- Trường hợp con vật đang làm việc như cày, kéo thì chọn nơi mát, yên tĩnh cho con vật nghỉ ngơi ngay.
- Dùng quạt mát từ phía trước cho con vật, tốc độ vừa phải để giúp con vật hạ nhiệt từ từ, tránh làm vật nuôi sốc, choáng.
- Dùng khăn mát lau cho con vật, trước hết lau ở phần đầu, vùng mặt, sau đó xuống toàn thân, khoảng 1 - 2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Lưu ý không dùng nước lạnh dội ngay vào vùng đầu, mặt của con vật hoặc khi con vật chưa có thời gian cân bằng trạng thái cơ thể đã dùng nước lạnh dội, tắm cho con vật.
- Bổ sung nước uống trực tiếp cho trâu bò: hòa nước mát pha thêm 1 ít muối cho uống (1 thìa cà phê/10 lít nước) hoặc dùng cây diếp cá giã nhỏ cùng 20 - 30 gram muối tinh (1 thìa cà phê) hòa cùng 1 - 2 lít nước cho con vật uống. Ngoài ra có thể dùng 100 - 200 gram bột sắn dây với 2 - 3 lít nước hòa cho con vật uống.
- Sử dụng các loại thuốc điện giải như Vitamin C, ADE, B.Complex, đường Gluco,… để bổ sung cho gia súc đang bị cảm nắng, nóng.


Quang Hưng - TTKN

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 812

Tổng lượt truy cập: 3.451.871