Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Mục đích chính của việc đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê là sử dụng đất tối đa và thu được nhiều sản phẩm nhất trên vườn mà vẫn duy trì được độ phì nhiêu của đất cũng như không làm cạnh tranh dinh dưỡng giữa các loại cây trồng với nhau. Mặt khác, trồng phối hợp hay xen kẽ các loại cây trồng khác nhau trên cùng một diện tích tạo nên một tổng thể thực vật có nhiều tầng, tán tạo nên một vùng tiểu khí hậu mát mẻ, giữ được độ ẩm cho đất cho cây.

Hình thức này thể hiện sự liên kết phù hợp lẫn nhau giữa các cây trồng có vóc dáng và hệ rễ khác nhau, sao cho tổ hợp cây trồng này nhận được năng lượng mặt trời nhiều nhất ở độ cao khác nhau và hệ thống rễ khai thác các tầng đất khác nhau. Các loại cây có bộ rễ ăn nông, khai thác nước và dinh dưỡng khoáng ở tầng đất mặt, trong khi các cây thân gỗ khai thác nước và dinh dưỡng ở các tầng đất sâu hơn. Việc đưa nước từ tầng đất sâu lên tầng đất mặt qua bộ rễ của cây thân gỗ thì khác với sự di chuyển nước trực tiếp, vì vậy hạn chế được hiện tượng các ion kim loại như Natri, nhôm, sắt di động... tích lũy dần trong lớp đất mặt gây độc cho cây cà phê. Nói cách khác trong cách trồng xen kết hợp, sự cân bằng nước và dinh dưỡng khoáng sẽ ít bị phá vỡ hơn so với canh tác độc canh (hệ đơn canh) hoặc các hệ xen canh không có cây thân gỗ.

Theo yêu cầu sinh thái đối với cây cà phê, những cây lâu năm trồng xen trong vườn cần chú ý một số điểm sau:

- Cây có bộ lá nhỏ, thưa không rậm rạp, phân bố cành đều, ít rụng lá trong mùa khô, cành khỏe, chịu rong tỉa;

- Mọc cao, rễ ăn sâu, không tranh chấp chất dinh dưỡng, nước với cà phê ;

- Không ảnh hưởng đáng kể về sâu bệnh hại với cà phê;

- Sản phẩm có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ;

- Ưu tiên những cây không thu hoạch sản phẩm cùng lúc với cây cà phê để không bị áp lực về mùa vụ, nhân công,…

Loại cây trồng xen trong vườn cà phê được bố trí theo mỗi vùng sinh thái khác nhau. Cây trồng lâu năm phổ biến tại vùng Hướng Hóa là muồng đen, keo dậu, hồ tiêu và bơ; Cây mới được đưa vào trồng những năm gần đây là bơ, cao su, mắc ca, sầu riêng. Tuy nhiên, qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy cây cao su ít phù hợp nên các năm trở lại đây nông dân không trồng. Việc đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê giúp cải thiện điều kiện tiểu khí hậu vườn cà phê, che bóng, chắn gió; Giảm lượng nước tưới và bay hơi, ngăn cản cỏ dại, bảo tồn đất và nước; Tăng chất lượng cà phê, tăng thu nhập, giảm những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu và sản xuất cà phê bền vững hơn

Qua khảo sát thực tế tại các vùng/ xã trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa cho thấy, một số hình thức đa dạng hóa cây trồng cả trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh mang lại hiệu quả bao gồm:

+ Trồng xen cây hàng năm: Trồng xen giữa lô/ vườn cà phê ở giai đoạn trồng mới và kiến thiết cơ bản, gồm: cây nghệ, cây gừng, khoai môn, khoai lang, ngô, các loại đậu đỗ, cây muồng… với mật độ/tỷ lệ 1-3 hàng (tùy loại cây) xen giữa 2 hàng cà phê. Hình thức này đã làm tăng hàm lượng mùn, đạm, lân tổng số và lân dễ tiêu, tăng sinh khối, cải thiện tính chất đất canh tác, tăng độ ẩm, tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho người dân.

Theo tính toán của chúng tôi, lợi nhuận kinh tế của mô hình trồng xen gừng, xen nghệ cao gấp 2 - 3 lần so với trồng xen với cây ngô. Đặc biệt, mô hình trồng Lạc xen giữa lô cà phê ở xã Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Sơn... cho lợi nhuận hơn 25 triệu đồng/ha; mô hình trồng Gừng trâu ở xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Phùng... cho lợi nhuận hơn 22 triệu đồng/ha; mô hình trồng Nghệ vàng ở xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Khe Sanh...cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha...

+ Trồng xen cây lâu năm trong vườn cà phê: Việc đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê có thể được tiến hành đồng thời cùng lúc trồng mới cây cà phê hoặc bổ sung từng bước, tùy vào điều kiện canh tác, với một số hình thức cụ thể, như:

- Trồng xen 1 hàng cà phê - 1 hàng tiêu; 2 hàng cà phê xen 1 hàng tiêu; 3 hàng cà phê xen 1 hàng tiêu với các cây trụ sống như lồng mức, muồng đen, keo, cây bông gòn…; Hình thức trồng phổ biến và thích hợp là 2-3 hàng cà phê xen 1 hàng tiêu;

- Trồng xen cây bơ ghép vào vườn cà phê với khoảng cách 2-3 hàng cà phê xen một hàng bơ, khoảng cách cây bơ 9m x 12m, với giống bơ Booth7; 034; TA1;

- Trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê với tỷ lệ 3-4 hàng cà phê xen một hàng sầu riêng giống ghép với khoảng cách cây sầu riêng 9m x 12m, với giống sầu riêng Monthong; Ri6...

Theo kết quả tính toán những mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê kinh doanh hơn 8 năm, 10 năm tuổi cho thấy tính ổn định về hiệu quả của cả hệ thống cây trồng chính và cây trồng xen, thu nhập trung bình của các mô hình hơn 100 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với trồng thuần cà phê, có những mô hình đạt hơn 200 triệu đồng/ha; Các mô hình đa dạng cây trồng còn góp phần giải quyết thêm việc làm đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến việc giảm thiểu tác động của nắng, hạn, gió trong điều kiện mùa khô của vùng phía Tây Quảng Trị. Với những đánh giá ban đầu cho thấy việc đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê đã cải thiện được hiệu quả của hệ thống, cảnh quan cây trồng cả về kinh tế và môi trường, tuy nhiên tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi vùng sinh thái, cần lưu ý một số vấn đề như việc lựa chọn loại cây trồng xen, bố trí mật độ, khoảng cách trồng hợp lý, vấn đề quản lý sâu bệnh hại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kể cả đầu tư hệ thống tưới nước mùa khô một cách hợp lý để phát huy hiệu quả của mô hình trồng xen và nhằm ứng phó tốt với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay./.

Thanh Tùng - Quốc Thịnh - TTKNQT

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 2042

Tổng lượt truy cập: 3.560.849