Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong quá trình thực hiện điều tra thực vật rừng tại Khu BTTN Đakrông, nhóm nghiên cứu thực vật Bùi Văn Thanh, Nguyễn Sinh Khang (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Lê Mạnh Tuấn (Viện Kiểm kê và Quy hoạch Lâm nghiệp), Nghiêm Đức Trọng (Đại học Dược Hà Nội), Uông Sỹ Hưng (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) và Che Wei Lin ( Phòng tiêu bản của Viện nghiên cứu Lâm nghiệp Đài Loan), Trương Quang Trung, Lê Anh Tú (Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông) đã phát hiện loài thực vật mới có tên Begonia laxiflora (Thu hải đường hoa thưa) được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, sống trên địa hình đá granit, địa hình đặc trưng của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Thenhóm nghiên cứu, Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) đã được phát hiện tại các sườn dốc đá granite ven suối trong rừng kín thường xanh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là kết quả của đợt điều tra bổ sung danh lục thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Loài thực vật mới này được cho là loài đặc hữu của Việt Nam - bổ sung quan trọng vào đa dạng sinh học phong phú của dãy núi Trường Sơn.

Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) có đặc điểm giống nhất với B. abbreviata ở đặc điểm bò lan, lá hình trứng lớn, lá bắc dai dẳng và số lượng lá đài ở cả hoa nhị và hoa nhụy. Tuy nhiên, loài này ở cụm hoa có đốt dài hơn nhiều so với lá bắc (so với đốt bị lá bắc che khuất), lá đài ngoài không có lông ở cả hoa nhị và hoa nhụy (so với bề mặt xa trục có vảy thưa thớt), bầu nhụy được bao phủ bởi các lông tuyến nhỏ (so với lông rậm) và cánh của quả nang nhọn về phía xa (so với tròn). (Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa:098-104 ISSN 1179-3155-2024).

 

Ảnh: Loài Begonia laxiflora được phát hiện tại KBTTN Đakrông

Từ khi được thành lập đến nay, Khu BTTN Đakrông đã được các tổ chức trong nước, Quốc tế thực hiện một số đợt điều tra đa dạng sinh học (ĐDSH) thuộc nhiều chương trình, dự án khác nhau và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tính đến 2024, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã ghi nhận được 1.576 loài thực vật có mạch, thuộc 735 chi, 162 họ của 05 ngành thực vật khác nhau: Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Lycopodiophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta), Mộc Lan (Magnoliophyta). Khu vực này là nơi giao lưu của các loài thực vật Bắc Nam và khu vực Đông Dương. Đây cũng chính là nơi ghi nhận về sự có mặt của loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), có giá trị bảo tồn cao và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loại động thực vật ở đây có tên trong sách đỏ Việt Nam như Sao la, Mang Trường Sơn, Chà vá chân nâu, Voọc, Lim xanh...và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được tổ chức Bảo tồn chim thế giới xếp vào vùng chim quan trọng.

Việc phát hiện loài thực vật mới Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại khu vực. Là nơi hội tụ của các luồng thực vật chính của Việt Nam, chúng tôi tin rằng nếu được đầu tư đúng đắn, số lượng loài bổ sung cho Khu bảo tồn cũng như các loài mới cho khoa học sẽ còn gia tăng đáng kể. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các loài thực vật quý hiếm và hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc duy trì di sản thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Trương Quang Trung - Giám đốc BQL KBTTN Đakrông

Đang truy cập: 20

Hôm nay: 1644

Tổng lượt truy cập: 3.555.319