Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Trong thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái góp phần bảo tồn Đa dạng sinh học.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông được giao quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Khu bảo tồn thiên nhiên đường Hồ Chí Minh huyền thoại với tổng diện tích tự nhiên 42.706,84 ha, nằm trên địa giới hành chính 07 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Đakrông, Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì, A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng 19.676,34 ha.

Trong những năm qua, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Ban quản lý Khu BTTN Đakrông (BQL) phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm có lưu vực chi trả DVMTR, tuyên truyền phổ biến thực hiện các chính sách chi trả DVMTR, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hàng năm, BQL đã thực hiện khoán bảo vệ rừng với 15 tổ nhận khoán, các đối tượng nhận khoán hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư, thu hút gần 300 thành viên tham gia trực tiếp bảo vệ rừng. Đây là lực lượng quan trọng trong tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, giảm áp lực về sự thiếu hụt biên chế trong Khu bảo tồn, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ rừng tận gốc. Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm hại. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư các thôn được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Họp thôn tuyên truyền, triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả DVMTR không những làm thay đổi nhận thức của bà con về bảo vệ rừng, mà còn giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế, các cộng đồng dân cư có nguồn thu phục vụ cho các hoạt động chung của thôn, bản...

Lực lượng nhận khoán phối hợp tuần tra bảo vệ rừng

Có thể thấy, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã cơ bản giảm. Cùng với đó, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng, góp phần quan trọng bảo tồn Đa dạng sinh học./.

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 1019

Tổng lượt truy cập: 3.588.612