Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, được thành lập theo Quyết định số 2378/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị. Có chức năng tổ chức, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, đảm bảo cân bằng sinh thái và an ninh môi trường trong phạm vi đất rừng được giao. Diện tích rừng, đất rừng quản lý Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá Đakrông là 23.114,50 ha thuộc địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông chủ yếu thuộc vùng Trung Trường Sơn, là khu vực rừng phòng hộ xung yếu và có tính đa dạng sinh học cao, là nơi giao lưu của các luồng thực vật Bắc Nam.

Theo kết quả đặt bẫy ảnh lần thứ nhất (2022) của Dự án VFBC do tổ chức WWF–Việt Nam phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông thực hiện đã ghi nhận được 42 loại, trong đó thú có 25 loài và Chim có 17 loài. Một số loài động vật quý hiếm được ghi nhận như: Gõ kiến xanh cổ đỏ (Red-collared Woodpecker), Thỏ vằn Trường sơn (Annamite Striped Rabbit), Khỉ đuôi lợn (Northern Pig-tailed Macaque), Nai (Sambar), Khỉ mặt đỏ (Stump-tailed Macaque). Qua hoạt động giám sát đánh giá tác động môi trường các dự án điện gió, ở khu vực rừng trồng của BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông tại xã Hướng Phùng có phát hiện 02 đàn Voọc chà vá chân nâu (Red-shanked douc langur) với số lượng khoảng hơn 10 cá thể đang sinh sống trong các đám rừng tự nhiên xen lẫn với các khu rừng trồng.

Ảnh: Cán bộ WWF và lực lương Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông tiến hành lắp đặt máy bẫy ảnh

Tiếp tục thực hiện hoạt động giám sát đa dạng sinh học thông qua lắp đặt máy bẫy ảnh, từ ngày 05/08/2024 đến ngày 20/08/2024, dự án VFBC tỉnh, tổ chức WWF–Việt Nam, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã phối hợp triển khai lắp đặt 46 máy ảnh và điều tra mật độ bẫy tại 23 điểm đã được thiết kế. Quá trình triển khai được chia làm 02 nhóm, mỗi nhóm 05 thành viên do chuyên gia WWF làm trưởng nhóm cùng với lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị.

Việc lắp bẫy ảnh được coi là phương pháp khảo sát không xâm lấn cho phép thu thập nhanh một lượng lớn dữ liệu về động vật hoang dã ở các vùng sâu vùng xa mà không tốn nhiều công sức. Sau khi thiết lập, bẫy ảnh sẽ hoạt động mà không cần nhà nghiên cứu có mặt. Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong việc giám sát các loài động vật hoang dã sống trên mặt đất và rất thích hợp để phát hiện các loài khó bắt gặp, bí ẩn hoặc quý hiếm. Qua đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã ghi nhận sự hiện diện của nhiều loài động vật qúy hiếm, từ đó giúp đơn vị xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học./.

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 27

Tổng lượt truy cập: 3.556.700