Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Rừng được bảo vệ và phát triển ổn định hơn về số lượng và chất lượng, độ che phủ rừng tiếp tục tăng; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật ngày càng được kéo giảm, công tác quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng được tăng cường. Tuy nhiên ở một số nơi, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là trên địa bàn Khu rừng phòng hộ đầu nguồn, vùng giáp ranh với các khu bảo tồn thiên nhiên; rừng tự nhiên trong quy hoạch rừng sản xuất do UBND các xã quản lý, chưa được giao, cho thuê đến chủ quản lý, sử dụng cụ thể; ranh giới giữa đất nông nghiệp và lâm nghiệp một số nơi chưa rõ ràng, bị chồng lấn, dễ bị xâm hại, khó quản lý…

Để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Trên cơ sở chương trình công tác trọng tâm của Tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR  (Đội KLCĐ & PCCCR) đã chủ động xây dựng chương trình công tác trọng tâm hàng năm, trong đó tập trung và coi nhiệm vụ tuần tra rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng làm ưu tiên hàng đầu. Đội KLCĐ&PCCCR đã nghiên cứu, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xãy ra tình trạng xâm hại cao, như các khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa các Ban quản lý rừng, rừng tự nhiên do UBND xã quản lý, rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình thuộc các huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa; các tuyến đường trọng điểm có nguy cơ xãy ra vận chuyển lâm sản trái phép lâm sản, để tập trung xây dựng kế hoạch tuần tra, đấu tranh ngăn chặn. Kết quả trong năm 2023, Đội KLCĐ&PCCCR đã tổ chức, phối hợp tuần tra rừng, kiểm tra rừng với 25 đợt trên các khu vực rừng tự nhiên trọng điểm của huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh; Kiểm tra, kiểm soát phát hiện và lập biên bản, xử lý 29 vụ vi phạm hành chính về Lâm nghiệp, tịch thu 29,341m3 gỗ  quy tròn các loại, 52 cá thể ĐVR trọng lượng 75,2 kg và 6,5 ster củi rừng tự nhiên; ngoài ra Đội KLCĐ&PCCCR đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng với các đơn vị thuộc Chi cục bắt giữ 15 vụ, lâm sản 32,552 m3 gỗ quy tròn và 17,0 kg ĐVR, 01 máy cưa xăng; phối hợp, hỗ trợ lực lượng cho các đơn vị Cảnh sát phòng chông tội phạm về Kinh tế, Môi trường Công an tỉnh trong việc bắt giử, xác định chủng loại lâm sản cho 09 vụ việc; chủ động làm việc với các Hạt Kiểm lâm Đakrông, Hướng Hóa, Khu BTTN Đakrông, các BQL rừng đặc dụng, rừng Phòng hộ trên địa bàn để bàn biện pháp phối hợp trong công tác bảo vệ rừng…. Với những kết quả đó đã kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các vụ việc nỗi cộm về xâm hại rừng tự nhiên, tàng trử, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời phối hợp, trao đổi thông tin cho các Hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng biết để có biện pháp ngăn chặn; Kịp thới báo cáo, tham mưu Lãnh đạo Chi cục nhiều biện pháp chỉ đạo, xử lý, hiệu quả.

Xác định nhiệm vụ  tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trái pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, bên cạnh đó cần có sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ và hành động quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền địa phương, vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng để thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất: Đề nghị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, trách nhiệm tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng và công tác bảo vệ rừng.

Thứ hai: Tiếp tục thực hiện tốt nội dung chủ trương ba bám của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm (bám chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng-Nhà nước và của ngành; bám cấp ủy, chính quyền các cấp; bám rừng, bám dân) nắm chắc tình hình kịp thời kiểm tra phát hiện và ngăn chặn các hành vi trái pháp luật trong hoạt động lâm nghiệp và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng góp phần ổn định trật tự xã hội.

Thứ ba: Thực hiện ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong hoạt động lâm nghiệp như QGIS, Mapinfor… để giải đoán ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.   

Thứ tư: Đấu tranh, truy quét các tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật; phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trái quy định, không để xảy ra sai phạm.

Thứ năm: Bổ sung nguồn lực, đảm bảo chế độ chính sách, động viên kịp thời, tạo điều kiện cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ổn định cuộc sống, an tâm, nhiệt huyết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng./.

Bùi Quang Duận

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 1796

Tổng lượt truy cập: 3.558.469