Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

SỐNG TRONG VÒNG TAY CỦA RỪNG

Rừng là một phần thiết yếu trong cuộc sống của người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, nơi có những cánh rừng nhiệt đới bao phủ và ở khu vực biên giới Việt– Lào, thuộc tỉnh Quảng Trị ở miền Trung Việt Nam. Cộng đồng nơi đây là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, vốn sinh sống trong và quanh những khu rừng này trong nhiều thập kỷ. Thôn Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng, còn thôn Hồ thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.

Tháng 11 năm 2021, 1.561 ha diện tích rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ đã được cấp chứng chỉ FSC® và trở thành những cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận FSC cho rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý và bảo vệ. Ngoài ra, ba loài tre (vầu, a ho/lồ ô và nứa) ở những cánh rừng này đã được chứng nhận FSC-FM/CoC về khai thác và sản xuất lâm sản ngoài gỗ một cách bền vững. Việc khai thác gỗ từ những khu rừng này tuyệt đối bị nghiêm cấm.

Cả hai thôn đều là thành viên của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp chuyên về quản lý rừng bền vững, đó là Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR). Hầu hết các hộ gia đình ở hai thôn đều là thành viên của ban quản lý rừng cộng đồng, do đó mọi thành viên trong thôn đều gắn bó và có ý thức tham gia vào các vấn đề liên quan đến rừng.

Đảm bảo sự thịnh vượng của rừng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng nơi đây từ rất lâu trước khi họ nghe nói về FSC. Các cộng đồng này bảo vệ rừng và sinh vật rừng khỏi những kẻ săn trộm, khai thác gỗ bất hợp pháp và bất kỳ ai đe dọa đến sự cân bằng yên bình của thiên nhiên. Tại sao người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ lại dành thời gian, công sức cho việc bảo vệ và chăm sóc rừng?

Giá trị của rừng

Văn hóa và truyền thống của người Vân Kiều rất coi trọng rừng. Họ tin rằng khi con người qua đời, nơi an nghỉ cuối cùng là trong rừng. Họ phân định các khu vực riêng biệt trong rừng để dành cho người chết yên nghỉ. Những khu vực này rất linh thiêng, không ai được phép ra vào quấy rầy nơi an nghỉ này. Một tập tục văn hóa khác liên quan đến rừng được thấy trong dịp lễ hội. Người dân dâng hương và thức ăn cho thần linh trong rừng, cầu xin các ngài phù hộ và che chở cho họ khỏi thiên tai.

Những khu rừng này đóng vai trò là rừng đầu nguồn ở trong vùng và duy trì nguồn nước cho những con suối. Đối với người dân thôn Chênh Vênh, nguồn nước này rất quan trọng. Lúa nước là một trong những nguồn thu chính của họ, và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chảy ra từ rừng. Những khu rừng này cũng đảm bảo rằng khu vực này có lượng mưa lớn để giữ cho sông suối không bị khô cạn.

Hai cộng đồng này chia sẻ mối quan hệ cộng sinh với rừng – họ bảo vệ và chăm sóc hệ động, thực vật rừng, còn rừng cung cấp cho họ nhiều lâm sản ngoài gỗ (LSNG) phong phú. Tre được khai thác bền vững đang dần trở thành một nguồn thu nhập tốt ở Chênh Vênh. Cộng đồng thôn đã thành lập tổ sản xuất sản phẩm tre, trong đó có sản xuất ống hút thân thiện với môi trường từ một loài tre có tên địa phương là Len Xanh. Loài tre này có thân nhỏ, rỗng, chắc. Thân tre được cắt khúc, luộc, phơi khô trước khi sử dụng làm ống hút. Phần lớn các sản phẩm từ tre như ống hút, cốc tre, hộp tre, ống đựng nhang, … được cung ứng cho Doanh nghiệp Nhiên Thảo Quảng Trị để doanh nghiệp này bán ra thị trường từ cửa hàng ở Đông Hà hoặc bán qua mạng.

Cộng đồng nơi đây còn trồng cây trẩu. Trong công nghiệp, hạt trẩu được ép dầu để sản xuất các chất liệu phủ gỗ, giúp bảo vệ gỗ khỏi mối mọt và tăng độ bền cho gỗ. Người dân địa phương thu nhặt hạt trẩu để bán cho các thương lái và doanh nghiệp có nhu cầu, trong đó có một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân trong vùng còn thu hái, buôn bán để cải thiện thu thập từ những LSNG có công dụng khác nhau. Chẳng hạn, hạt bồ kết được sử dụng để sản xuất dầu gội đầu. Quả bồ hòn thì được sử dụng để sản xuất xà phòng rửa tay và nước lau sàn. Rừng cũng đem lại nguồn gia vị phong phú như quế, gừng, … cũng như nhiều loài rau rừng, thảo dược.

“Chúng tôi tìm thấy nhiều tài nguyên quý giá có sẵn trong rừng. Nhờ rừng, chúng tôi có thức ăn, có thuốc men và có vật liệu để làm nhà. Chúng tôi không cần phải đến quầy thuốc tây khi bị đau bụng vì chúng tôi có thuốc chữa tự nhiên từ rừng,” Hồ Thị Xăng, một bà mẹ trẻ có hai con và là thành viên của tổ bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, vừa cười khúc khích vừa nói.

Chung tay bảo vệ rừng tự nhiên

Trong suốt chuyến thăm ở thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, chúng tôi đã nhiều lần thấy rằng việc bảo vệ rừng được người Vân Kiều thực hiện rất nghiêm túc. Cả hai thôn đều lập lịch trình cho các tổ bảo vệ rừng để các thành viên tổ bảo vệ rừng đi tuần tra rừng ba hoặc bốn lần mỗi tháng. Các tổ bảo vệ rừng thường bao gồm năm thành viên. Tất cả đều tự nguyện đăng ký tham gia dù công việc này không mang lại thu nhập ngay lập tức cho họ. Một số tổ bảo vệ rừng có cả thành viên nữ tham gia.

“Với chúng tôi, việc tuần tra bảo vệ rừng có lẽ không phải việc làm để tạo thu nhập. Chúng tôi cảm thấy rất gắn bó với những khu rừng này,” Hồ Xa Lăng trò chuyện thân mật bên tách trà. Xa Lăng là thành viên của Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ.

Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), một tổ chức phi chính phủ Hà Lan có nhiều năm hoạt động dự án ở huyện Hướng Hóa, đã giúp những cộng đồng này trải qua một quá trình để đạt được chứng nhận FSC. Quá trình này bắt đầu bằng việc tham gia làm thành viên của Hội CCR Quảng Trị và từng bước hiểu được giá trị và lợi ích của chứng chỉ FSC. MCNV đã giúp cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ xây dựng các phương thức quản lý rừng tốt hơn và bền vững hơn, trong đó có việc dùng ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý rừng, cho phép các tổ tuần tra bảo vệ rừng trực tiếp cập nhật các dữ liệu quan trọng lên hệ thống quản lý thông tin của Hội CCR Quảng Trị.

Kể từ khi được cấp chứng chỉ FSC, công tác tuần tra được tăng cường để đáp ứng các yêu cầu của chứng chỉ. Hai BQL rừng cộng đồng cũng cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu đánh giá FSC hàng năm. Ứng dụng điện thoại thông minh trong quản lý rừng góp phần giúp hai BQL bảo vệ rừng tốt hơn. Ngoài ra, MCNV còn đóng vai trò quan trọng trong việc tập huấn nâng cao năng lực cho người dân, giới thiệu cho người dân các phương pháp thực hành tốt nhất về quản lý rừng bền vững và khai thác LSNG bền vững. Nhờ đó, người dân điều chỉnh các phương thức quản lý rừng và khai thác LSNG để cải thiện tình trạng rừng cộng đồng. MCNV cũng giúp người dân hai thôn xác định các lợi ích kinh tế của các LSNG đã được mua bán và sử dụng qua nhiều thế hệ. Với sự giúp đỡ của các dự án quốc tế tài trợ, MCNV đang tạo ra liên kết thị trường cho những sản phẩm này. Chứng nhận FSC sẽ cho phép cộng đồng tiếp cận thị trường và giá cả tốt hơn cho sản phẩm của họ.

Rõ ràng, cộng đồng địa phương đã quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng của họ từ rất lâu trước khi được chứng nhận. Nhưng với chứng nhận FSC, họ có thể tiếp cận các nguồn lực mới để cải thiện các thực hành mà họ đã áp dụng qua nhiều thế hệ.

“Rừng cho chúng tôi thức ăn, dược liệu và vật liệu làm nhà. Rừng cũng bảo vệ những con suối cung cấp nước cho ruộng đồng và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân trong thôn. Rừng duy trì sự cân bằng thời tiết và chống sạt lở. Và giờ đây, với chứng chỉ FSC, chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm tre từ nguồn tre được khai thác bền vững. Thị trường có nhiều nhu cầu đối với những sản phẩm này”, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng BQL Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh cho biết.

Khát vọng tương lai

Người dân thôn Chênh Vênh và thôn Hồ, với sự giúp đỡ của MCNV và nguồn tài trợ từ Liên minh Châu Âu, bắt đầu nhận ra giá trị to lớn của công việc mà họ đang làm và của các nguồn tài nguyên rừng mà họ đang bảo vệ. Những khu rừng này có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với họ mà còn đối với cả thế giới.

Những thành công bước đầu của cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ đã tạo động lực để những thôn lân cận cùng tham gia áp dụng và nhân rộng mô hình. Kết quả là, thêm 03 thôn – thôn Cát (xã Hướng Sơn), thôn Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) – đã tham gia vào Hội CCR Quảng Trị. Tháng 11/2022, thôn Chênh Vênh, thôn Hồ cùng 03 thôn này đã được cấp chứng chỉ FSC Dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon. Được biết, đây là những rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chỉ dịch vụ hệ sinh thái với tổng diện tích 2.145 ha.

Việc cấp chứng chỉ FSC cho những cánh rừng này đã làm nổi bật hoạt động quản lý rừng của cộng đồng địa phương. Một số tổ chức quốc tế và các cộng đồng khác ở Việt Nam và khu vực thể hiện sự quan tâm học hỏi từ mô hình này. Điều này có khả năng dẫn đến nhiều diện tích rừng tự nhiên sẽ được chứng nhận FSC, qua đó đảm bảo quản lý rừng một cách bền vững và tạo cơ hội cho cộng đồng được tiếp nhận chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà tài trợ tiềm năng.

Những cánh rừng này là ví dụ tuyệt vời về sức mạnh của các cộng đồng địa phương cùng hợp lực với FSC để đảm bảo những khu rừng thân yêu của họ luôn khỏe mạnh và phục hồi tốt cho các thế hệ mai sau.

Bộ phận truyền thông FSC - MCNV

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1769

Tổng lượt truy cập: 3.242.598