Chi tiết - Sở Nông nghiệp và PT nông thôn

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông được giao quản lý với tổng diện tích là 23.163,11 ha, trong đó đất có rừng là 16.904,52 ha (rừng tự nhiên 12.106,37 ha; rừng trồng 4.798,15 ha); đất trống, đất khác 6.258,59 ha, phân bố trên địa bàn 15 xã, thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Địa hình rừng núi phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối. Dân cư trong vùng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế phong tục sản xuất quảng canh, đời sống chủ yếu dựa vào rừng nên nguy cơ người dân vào rừng để khai thác lâm sản, phát rừng làm rẫy, làm bẫy săn bắt động vật rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.

          Vào tháng 04/2023, được sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án VFBC, tổ chức WWF, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đã ra mắt 02 đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy (CPT). Tổng cộng gồm 10 thành viên (05 thành viên/01 đội), các thành viên là những cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách của BQL.

Quá trình tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy 02 đội CPT sử dụng công cụ SMART Mobile để khai báo, thu thập dữ liệu tuần tra. Dữ liệu tuần tra được 02 đội thu thập tại hiện trường và gửi cho cán bộ phụ trách SMART của đơn vị 02 lần 01 tháng để tổng hợp, xuất báo cáo trình cho lãnh đạo đơn vị, gửi về BQL dự án VFBC và tổ chức WWF để làm cơ sở thanh toán công tác phí cho 02 đội CPT.

          Kết quả trong năm 2023, 02 đội CPT của Ban quản lý đã thực hiện tổng cộng 261 đợt tuần tra với tổng khoảng cách tuần tra là 1.962,98 km, tổng số giờ tuần tra là 1.363,5 giờ. Quá trình tuần tra, đã phát hiện 06 lán trại bất hợp pháp và 642 bẫy động vật trái phép, loại bẫy chủ yếu là bẫy thòng lọng, bẫy kẹp, bẫy hố. Đội CPT của Ban đã tiến hành tháo gỡ những bẫy phát hiện và thu giữ đem về trụ sở BQL.

          Trong quá trình triển khai thực hiện, được sự hỗ trợ của Dự án VFBC, tổ chức WWF, cán bộ BQL RPH đã được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng SMART, nhận diện các loài động, thực vật, cách tháo gỡ bẫy, sơ cứu khi gặp nạn…Qua đó giúp các thành viên 02 đội CPT của BQL nâng cao năng lực hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Ngoài ra, Dự án VFBC, tổ chức WWF đã hỗ trợ, trang cấp các trang thiết bị như máy điện thoại thông minh, sạc dự phòng, áo quần bảo hộ, xe máy cho BQL để phục vụ cho việc tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy.

          Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: trong quá trình sử dụng SMART Mobile, một số thành viên vẫn còn gặp một số trục trặc, sai sót trong quá trình sử dụng; trang thiết bị được dự án hỗ trợ, trang cấp nhưng chưa đáp ứng về số lượng; lâm phần của BQL có địa hình dốc, phức tạp do đó việc tuần tra bảo vệ rừng bằng SMART của  02 đội CPT cực kỳ khó khăn.

          Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn tuy nhiên trong năm 2023, 02 đội CPT của BQL đã rất nỗ lực trong hoạt động tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy và nhận được những đánh giá tích cực từ lãnh đạo đơn vị, dự án VFBC, tổ chức WWF, các kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm của đơn vị trong năm 2024, lãnh đạo BQL đã chỉ đạo 02 đội CPT tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện cho Quý 1 năm 2024, tăng cường tuần tra kiểm tra rừng ở những nơi có nguy cơ cao về bẫy, săn bắt động vật trái phép để nhằm góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học cho khu rừng được giao quản lý./.

 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 288

Tổng lượt truy cập: 3.243.334